Chủ động ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta
Thông tin tuyên truyền: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI Ở NƯỚC TA
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI bởi nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam mặc dù là nước đang phát triển, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức độ còn thấp so với mức trung bình của thế giới(1), nhưng lại là một trong những quốc gia có nguy cơ gánh chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Theo tính toán của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 50 năm qua nhiệt độ trung bình của nước ta hằng năm tăng lên khoảng 0,50C – 0,70C, nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè và nhiệt độ khu vực phía Bắc tăng nhanh hơn khu vực phía Nam. Trong khi đó, lượng mưa lại giảm khoảng 2%/năm, biến đổi lượng mưa có xu hướng cực đoan: tăng trong mùa mưa và giảm trong mùa khô. Trong 2 thập niên vừa qua, các biểu hiện thời tiết dị thường cũng xuất hiện ngày càng nhiều, như: số đợt rét kéo dài tăng, có đợt tới 38 ngày (năm 2008); bão có cường độ mạnh cũng xuất hiện nhiều, quỹ đạo của bão có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có đường đi bất thường gây khó khăn cho công tác dự báo;…
Có thể nói, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến hiện trạng khí tượng nguy hiểm, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống, môi trường sản xuất và kinh doanh của người dân, đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta. Điều này được thể hiện cụ thể như sau:
Một là, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển nông nghiệp và thủy sản.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nước ta với bờ biển dài và hai vùng đồng bằng lớn, khi mực nước biển dâng cao từ 0,2m đến 0,6m, sẽ có khoảng 100.000 – 200.000ha đất bị ngập, làm thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp. Nếu nước biển dâng lên 1m thì sẽ gây ngập khoảng 0,3 – 0,5 triệu héc-ta tại đồng bằng sông Hồng; những năm lũ lớn, trên 90% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị ngập từ 4 – 5 tháng, vào mùa khô, trên 70% diện tích bị xâm nhập mặn với nồng độ hơn 4g/l. Ước tính, Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu héc-ta đất trồng lúa trong tổng số hơn 4 triệu héc-ta hiện nay, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của quốc gia và ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục triệu người dân.
Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng, làm tăng nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh, cơ cấu cây trồng bị đảo lộn dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực. Các nhà khoa học cho rằng, nếu nhiệt độ tăng lên 10C sẽ ảnh hưởng đến 25% năng suất cây trồng, điển hình như lúa giảm 10%, ngô giảm khoảng 5% – 20% năng suất (tỷ lệ này có thể lên tới 60% nếu nhiệt độ tăng 40C).
Nhiệt độ tăng cũng ảnh hưởng tới sự trao đổi chất, tốc độ phát triển, sự sinh sản và tái sản xuất theo mùa vụ của các sinh vật sống trong môi trường nước, làm chúng dễ bị nhiễm bệnh và nhiễm độc. Hàm lượng ô-xy trong nước giảm mạnh vào ban đêm làm cho nhiều loài tôm, cá bị chết hoặc chậm lớn. Các hệ sinh thái biển cũng bị ảnh hưởng. Hệ quả của sự thay đổi hệ sinh thái biển sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.
Biến đổi khí hậu làm cho mùa khô kéo dài hơn với lượng mưa giảm rõ rệt, dẫn đến thiếu nước, hạn hán và sa mạc hóa diễn ra trên diện rộng, đồng thời, gây rét kéo dài, bất thường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đợt rét kéo dài 38 ngày (năm 2008), có 33.000 trâu, bò, 34.000ha lúa, hàng chục nghìn héc-ta mạ non, nhiều đầm nuôi tôm ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã bị chết, ước tính thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo nghiên cứu của nhóm DARA International, Việt Nam hiện đứng đầu danh sách các nước có mức thiệt hại nông nghiệp và thủy sản do biến đổi khí hậu nguy cấp, tức là mức báo động đỏ. Trong đó, tổn thất của ngành thủy sản là khoảng 1,5 tỷ USD (năm 2010), và có thể sẽ tăng lên tới 25 tỷ USD (năm 2030)(2). |
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, mưa, bão cường độ lớn cũng xảy ra thường xuyên, những đợt lũ quét có tần suất cao với mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, nhất là đối với nông nghiệp, thủy sản.
Trong vòng vài ba chục năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hầu như năm nào ở nước ta cũng xảy ra mưa đá, năm nhiều nhất có tới hàng chục lần, có khi xảy ra trên diện rộng với hàng nghìn ki-lô-mét vuông, Tây Nguyên, Tây Bắc là những vùng có mưa đá xảy ra nhiều nhất. Đặc biệt, mưa đá lại thường hay xuất hiện ở các vùng canh tác cây trồng có giá trị kinh tế cao nên gây ra tổn thất lớn. Tính riêng các trận mưa đá xảy ra liên tục ở Lào Cai cuối tháng 3-2013, đã tàn phá khoảng 11.000 ngôi nhà, 8.000ha cây ăn quả, hoa màu, 300ha cây thuốc lá, thiệt hại ước tính 271 tỷ đồng(3).
Hai là, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sự phát triển công nghiệp, giao thông, năng lượng và du lịch.
Biến đổi khí hậu gây gia tăng về cường độ và tần suất các hiện tượng bão, mưa, giông, lốc, lũ lụt, hạn hán,… làm cho các công trình công nghiệp ở nước ta nhanh bị hư hỏng, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Mưa, bão bất thường, nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu còn làm hệ thống kết cấu hạ tầng, các công trình giao thông bị phá hủy, xuống cấp nhanh hơn, làm tăng chi phí sửa chữa, bảo dưỡng. Nhiệt độ tăng làm các cây cầu chóng hư hỏng do khớp nối giữa các nhịp bị giãn; đường ray xe lửa cũng bị biến dạng; các dòng chảy bị cạn kiệt gây khó khăn cho vận tải bằng đường thủy. Mưa, giông, lũ lụt,… làm trì hoãn đường không, đường sắt và đường bộ, gây thất thu lớn. Bên cạnh đó, do có bờ biển dài, nhiều đô thị, điểm dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, hải cảng lớn và hàng loạt công trình quan trọng khác của ta đều nằm dọc theo bờ biển, nên nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu có thể sẽ làm ngập hàng loạt công trình xây dựng ở gần bờ này.
Nhiệt độ tăng cao cũng dẫn đến tăng mức tiêu thụ năng lượng của nhiều ngành sản xuất và của người dân. Nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, khi nhiệt độ mùa hè tăng 10C, phụ tải trong thời gian từ 9 giờ đến 16 giờ tăng cao hơn so với các phụ tải ở thời gian khác trong ngày là 2,2%/năm; nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng lên gần 1%, đặc biệt trong lĩnh vực dân dụng và thương mại – dịch vụ;…
Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng và nước biển dâng còn đe dọa tới tương lai ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch biển nói riêng. Sự gia tăng nhiệt độ khiến mùa nóng kéo dài hơn, trong khi thời gian thuận lợi đối với khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là mùa thu, đông và xuân, khi nhiệt độ vào khoảng 150C – 220C. Hơn nữa, biến đổi khí hậu làm tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan làm cho việc tổ chức các chương trình du lịch, tham quan, vui chơi, giải trí ngoài trời, những hoạt động vốn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thời tiết. Bên cạnh đó, nước biển dâng còn làm một số bãi tắm ven biển có nguy cơ bị mất, hoặc bị đẩy sâu vào đất liền, làm tổn hại đến các công trình di sản văn hóa, lịch sử, các khu bảo tồn, các khu du lịch sinh thái.
Ba là, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
Trong 10 năm qua, thiên tai đã làm 4.305 người bị chết, 3.737 người bị thương, 138.000 căn nhà bị sụp đổ, 1,4 triệu căn nhà bị hư hỏng; tổng nguồn lực thực hiện cứu trợ của Nhà nước là 280.243 tấn gạo và 8.583 tỷ đồng; khoảng 1,4 triệu lượt người Việt Nam bị thiếu đói mỗi năm(4). Hậu quả sau thiên tai do biến đổi khí hậu còn làm chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu ăn, thiếu nhà ở, điều kiện y tế, giáo dục không bảo đảm và môi trường bị ô nhiễm.
Biến đổi khí hậu còn là nguyên nhân phát sinh xung đột môi trường, xung đột xã hội do đất canh tác bị giảm mạnh và nguồn nước cạn kiệt, dẫn đến thiếu đất, thiếu nước để sản xuất. Những vụ khiếu kiện, khiếu nại do xung đột môi trường, xung đột tài nguyên thiên nhiên diễn ra ngày càng phổ biến nếu không được giải quyết kịp thời thì sẽ là nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, rối loạn an ninh chính trị.
Những vấn đề từ biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe con người. Mọi biến đổi dị thường của thời tiết, như các đợt rét đậm, rét hại, nắng, nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng hay giảm mạnh, đều gây ra tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, làm gia tăng nguy cơ đối với người già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, dị ứng. Biến đổi khí hậu còn tác động gián tiếp đến sức khỏe con người thông qua các nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh, dịch bệnh, như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, tiêu chảy, dịch tả, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,… Sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính làm tầng ô-dôn dần bị phá hủy, dẫn đến tăng cường độ bức xạ tia tử ngoại trên mặt đất, là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư da và các bệnh về mắt. Theo đánh giá của WB, mỗi năm Việt Nam thiệt hại 780 triệu USD cho chăm sóc sức khỏe vì biến đổi khí hậu. Các thiệt hại kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu bao gồm nhiều khoản chi phí, như khám, chữa bệnh, thuốc, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, do mất người,…
Để ngăn chặn những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, trong những năm tới, chúng ta cần giải quyết tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặc dù mục tiêu ưu tiên của nước ta là đạt được sự tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng, Chính phủ cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát và giảm nhẹ hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu, từ đó xây dựng và phát triển kế hoạch hành động tích cực và cụ thể. Tuy nhiên, kế hoạch này bước đầu mới chỉ tập trung khắc phục những hậu quả của thiên tai, mà chưa thật sự chủ động trong ứng phó, phản ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần có những phương án cụ thể nhằm thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với những ngành, lĩnh vực trực tiếp chịu ảnh hưởng, như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, du lịch, giao thông vận tải,…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng lĩnh vực kinh tế – xã hội, trước mắt, cần nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo khí hậu, thiên tai, thông qua việc mở rộng, phát triển, hiện đại hóa hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn theo hướng kết hợp quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn với giám sát, cảnh báo khí hậu; tăng cường hệ thống thông tin và dữ liệu về khí hậu và biến đổi khí hậu, nhằm phục vụ cho hoạch định chính sách và việc triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; liên tục cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu trước khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội để lồng ghép, điều chỉnh kế hoạch kịp thời.
Xây dựng và củng cố khả năng chủ động trong phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền trong bối cảnh biến đổi khí hậu với các giải pháp, như củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông yếu; trồng rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ở ven biển nhằm giảm thiểu thiên tai do biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển; chủ động phòng, chống lũ, lụt, hạn hán thông qua việc cắt lũ, điều tiết dòng chảy, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác phù hợp với đặc điểm sinh thái của các vùng và địa phương nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tăng cường hệ thống bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là ở các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu. Rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế – xã hội, khu đô thị, khu dân cư, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu.
Thứ hai, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Đây là quá trình giảm nhẹ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước theo hướng các-bon thấp. Trong tương lai gần, mô hình sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng, làm tăng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ không còn phù hợp với xu thế chung, điều này đòi hỏi mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam cần phải có những hành động thiết thực hơn. Chiến lược đầu tư cho giảm nhẹ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm hạn chế biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Để làm tốt nhiệm vụ này, trong những năm tới, chúng ta cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong công nghiệp, xây dựng và giao thông. Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng các-bon thấp; tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu tốn ít năng lượng, từng bước hạn chế phát triển các ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường mà hiệu quả lại thấp.
Vấn đề quan trọng hàng đầu trong ngăn chặn tác hại của biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay là việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là quá trình con người điều chỉnh, hoặc phản ứng tích cực, hoặc có phòng bị trước, nhằm giảm thiểu những hậu quả của biến đổi khí hậu. |
Tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án về phát triển và sử dụng năng lượng sinh học, năng lượng mới, nghiên cứu, đổi mới công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nhằm giảm nhẹ khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường các bể hấp thu khí nhà kính bằng cách đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và xóa đói, giảm nghèo. Đẩy mạnh tái sinh và trồng rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ các đồng cỏ tự nhiên, rừng nguyên sinh, hệ sinh thái biển, các bể hấp thụ các-bon trong tự nhiên. Xây dựng hệ thống kiểm kê khí gây hiệu ứng nhà kính cấp quốc gia, đồng thời bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho kiểm kê khí gây hiệu ứng nhà kính định kỳ. Việc đánh giá các tiềm năng, cơ hội giảm nhẹ khí gây hiệu ứng nhà kính cần phù hợp với điều kiện, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới hình thành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu.
Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên, cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tự giác bảo vệ tài nguyên môi trường trong nhân dân. Đưa nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường vào nội dung sinh hoạt của các cấp ủy đảng, đoàn thể xã hội; các chương giáo dục đối với học sinh, sinh viên trong nhà trường. Tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần tiến hành thường xuyên hơn. Lồng ghép mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu vào hương ước, khế ước của bản làng, nội quy của cơ quan, tổ chức đoàn thể, xã hội. Xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Xây dựng lực lượng nòng cốt về tuyên truyền nâng cao nhận thức trong tất cả các cơ quan, ban, ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường. Xây dựng Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước theo hướng bền vững./.
Lê Thị Thanh Hà // https://tapchicongsan.org.vn/
——————————–
(1) Ước tính tỷ lệ phát thải gây hiệu ứng nhà kính năm 2010 ở Mỹ là 21,6 tấn CO2/người; châu Âu: 11 tấn
(2) Nguồn: “Thủy sản Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu”, www.tinmoi.vn, ngày 11-1-2013
(3) Nguồn: “Theo thống kê của Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai”, www.cema.gov.vn, ngày 9-4-2013
(4) Xem: Bùi Sĩ Tuấn: “Một số giải pháp an sinh xã hội để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, website: tcldxh.vn, ngày 1-3-2013
Views: 2612