Cháu Cầu đấy phải không?

 Đến trạm liên lạc của Trung ương, tôi nghỉ ngơi một ngày. Quá trưa hôm sau, tôi được dẫn vào gặp Bác. Trước khi đi, tôi phân vân suy tính mãi và sau cùng cứ mặc bộ quân phục bình thường chứ không mặc bộ quần áo chiến lợi phẩm. Tôi được đưa thẳng đến chỗ Bác làm việc. Đang đi, bỗng đồng chí liên lạc khẽ kéo áo tôi, bảo nhỏ: “Đến rồi đấy!”. Tôi nhìn lên phía trước thì thấy bên gốc cây đa to có một ông cụ tóc bạc, mặc quần nâu, đang ngồi đọc báo.

Tôi còn đang ngẫm nghĩ thì đã bước gần đến gốc đa.
– Bác đấy!
Đồng chí liên lạc nói nhỏ vào tai tôi thế.
Tôi chưa kịp vào thì Bác đã đứng lên, đón tôi và hỏi ngay:
– Cháu Cầu đấy phải không?
– Vâng ạ!
Tôi xúc động quá, chỉ nói được có thế.
Bác tới cầm tay tôi hỏi:
– Cháu đi đường có mệt lắm không? Đi mất mấy ngày ? Anh em trong đơn vị có khỏe không?
Tôi cố trấn tĩnh nhưng vẫn lúng túng:
– Thưa Bác, cháu đi đường có mệt nhưng được nghỉ một ngày nên đã lại sức. Anh em trong đơn vị cháu đều khỏe mạnh. Chúng cháu rất phấn khởi sau chiến thắng Biên giới.
Bác dắt tôi vào nhà. Bác bảo đồng chí phục vụ:
– Cháu Cầu đi đường mệt, chú pha sữa cho cháu uống!
Bác cho tôi ngồi bên cạnh, rồi hỏi về sức khỏe của anh em thương binh, về tình hình đoàn kết, học tập của đơn vị… Tôi vừa trả lời vừa ngắm kỹ Bác. Bác nói chuyện vui, thân mật và dễ hiểu. Thỉnh thoảng, Bác lại dùng xen tiếng dân tộc. Bác phát âm, dùng từ rất đúng. Tôi toàn thêm cảm động vì thấy Bác gần gũi, thương yêu người các dân tộc, quan tâm đến chiến sĩ. Lòng tôn kính của tôi đối với Bác càng tăng lên vô hạn.
Bác bảo tôi ở lại ăn cơm với Bác. Bác dặn riêng đồng chí anh nuôi:
– Cháu Cầu mệt, chú nhớ nấu cho cháu bát canh ngon!
Rồi Bác cho tôi đi rửa mặt, nghỉ ngơi.
Lúc vào phòng ăn, tôi còn bỡ ngỡ chưa biết ngồi chỗ nào, thì Bác đã kéo tôi ngồi bên Bác:
– Các đồng chí trong cơ quan mời cháu ăn cơm, cháu ngồi đây với bác.
Bác vui vẻ giới thiệu:
– Rau xanh Bác trồng, gà Bác nuôi, trứng gà nhà đẻ, chỉ có muối mắm là phải mua thôi. Hôm nay, thết cơm cháu nên bữa ăn có khá hơn mọi ngày. Ăn cơm với Bác, cháu đừng làm khách, cứ ăn cho thật no.
Vừa ăn, Bác hỏi:
– Cháu ăn ngon miệng không? So với đơn vị có khác gì không?
– Thưa Bác, cháu ăn ở đơn vị cũng ngon nhưng được ăn cơm với Bác, cháu thấy ngon hơn.
Bác cười, quay sang mấy đồng chí ở cơ quan:
– Cháu Cầu trông thế mà hóm nhỉ!
Mọi người cùng cười. Tôi sung sướng quá. Bác gắp thức ăn cho tôi. Bỗng Bác lại hỏi:
– Ở đơn vị cháu, anh em người dân tộc có nhiều không? Dân tộc nào nhiều nhất?
– Thưa Bác, đơn vị cháu có nhiều người thuộc các dân tộc ở Cao Bắc Lạng. Đông nhất là Tày, thứ hai là Nùng, thứ ba là Kinh ạ.
Bác khen:
– Tốt lắm! Đồng bào các dân tộc Cao Bắc Lạng đều hăng hái tham gia cách mạng. Các cháu đánh giặc giỏi, nay cần phấn đấu để tiến bộ hơn nữa về văn hóa.
Ăn cơm xong, ăn tráng miệng bằng chuối Bác tăng gia và kẹo chiến lợi phẩm.
Bác hỏi tôi về chuyện nhà. Vâng lời Bác, tôi kể:
– … Cháu mồ côi cha năm lên bảy. Mẹ cháu đi bước nữa  nhưng vẫn nuôi cháu. Trước Cách mạng tháng Tám ít ngày, bản cháu bị thổ phỉ đốt phá sạch. Bố dượng cháu lo buồn, sinh bệnh rồi mất; thế là cháu lại mồ côi cha lần thứ hai. Mẹ con cháu làm ăn rất vất vả lần hồi nuôi nhau. Cách mạng tháng Tám thành công, cháu được đi học, được ca hát với bạn bè, nhưng chưa được bao lâu thì giặc Pháp lại xâm chiếm nước ta. Ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cháu mới mười lăm tuổi nhưng đã biết đi cày. Cháu nghĩ: cầm được cày thì nhất định cầm được súng đánh Pháp. Một hôm, đang cày ruộng, cháu thấy bà con nói ngoài huyện có tuyển binh. Cháu mừng quá, chạy về xin mẹ cho đi tòng quân. Mẹ cháu bảo: “Con còn nhỏ, bố mới mất, mẹ chỉ có một mình con, con ở nhà giúp đỡ mẹ…”. Cuối cùng mẹ cháu cũng bằng lòng cho cháu đi. Mẹ cháu dặn ba điều:
– Không được làm phiền anh em, phải cố gắng giết thật nhiều giặc Pháp và thổ  phỉ để dân làng và mẹ khỏi khổ.
– Đừng làm điều xấu, đừng làm điều lỗi để phải đi tù; mẹ thấy con bị tù thì mẹ chết mất.
– Nhớ viết thư về thăm mẹ và bà con luôn; khi nào hết giặc Pháp thì trở về với mẹ.
Nghe đến đấy, Bác cảm động nói với các đồng chí trong cơ quan:
– Các bà mẹ ở nước ta, cũng như mẹ cháu Cầu, rất giàu lòng yêu nước, có một con cũng cho đi chiến đấu. Tinh thần thật đáng quý!
Rồi Bác hỏi tôi:
– Lúc bị thương, cháu nghĩ thế nào?
– Thưa Bác, lúc đó hỏa lực địch từ lô-cốt trước mặt vẫn nhả đạn chặn bước tiến của quân ta. Cháu nghỉ chưa hoàn thành nhiệm vụ thì dù hy sinh cũng không thể lùi bước. Cánh tay phải cháu đã bị gãy nát nhưng da thịt còn dính lủng lẳng, vướng quá, cháu liền nhờ đồng đội chặt đứt hẳn để dễ cử động. Cháu nghiến răng chịu đau, rồi dùng tay trái ôm bộc phá xông tới áp vào lỗ châu mai, giữ cho đến khi sắp nổ mới chịu buông ra. Lô-cốt địch nổ tung, cháu bị văng ra xa rồi ngất đi.
Bác xúc động, bảo tôi:
– Hôm nay, cháu lên thăm Bác, các đồng chí trong cơ quan muốn biết rõ về chiến thắng Biên giới và thành tích của cháu. Cháu chuẩn bị đến tối nói chuyện cho mọi người nghe.
– Cháu nói tiếng phổ thông chưa thạo, sợ nói tiếng dân tộc thì nhiều đồng chí không nghe được – Tôi lo ngại đáp.
– Cháu biết tiếng phổ thông thế nào thì cứ nói thế.
Tối ấy, tôi lên nói chuyện. Bác giới thiệu các đồng chí có mặt:
– Cháu Cầu bị thương mất nhiều máu, bị sức ép của bộc phá, lại đi đường xa còn yếu nên không nói được to. Các cô, các chú, các cháu ngồi nhích lại để nghe cho rõ, để cháu Cầu nói đỡ mệt.
Lần đầu tiên nói chuyện trước nhiều người, lại toàn là cán bộ ở cơ quan Trung ương, tôi không khỏi rụt rè. Nhưng được Bác khuyến khích, tôi đã mạnh dạn trình bày bằng tiếng phổ thông các vấn đề khá trôi chảy.
Nói chuyện xong ra về, tôi không sao ngủ được. Tôi xao xuyến bâng khuâng như đang sống trong một giấc mơ. Tôi cũng băn khoăn, lo khi về không biết làm thế nào để truyền đạt lại được hết ý, hết tình của Bác đối với tôi, đối với đơn vị tôi.
Sáng hôm sau, tôi dậy đã sớm, nhưng thấy Bác còn dậy sớm hơn. Bác đang tập thể dục.
Bác cho tôi cùng ăn sáng. Trước khi cho tôi về đơn vị Bác căn dặn:
– Cháu cần ăn nhiều, đừng thức khuya cho chóng lại sức. Cháu nói được tiếng phổ thông rồi nhưng muốn nói thạo hơn, thì nên xem nhiều sách báo và mạnh dạn dùng tiếng phổ thông không sợ sai, sai sẽ sửa, trước lạ sau quen. Cháu nhớ chuyển lời của Bác hỏi thăm các chú cán bộ và chiến sĩ Cao Bắc Lạng. Cháu có viết thư hay nghỉ phép về thăm mẹ và bà con trong bản thì nói Bác và anh chị em trong cơ quan có lời hỏi thăm.
Tôi chăm chú nghe lời Bác dạy. Tuy trong lòng hết sức hồi hộp, bịn rịn phải xa Bác, nhưng tôi cũng đã nói được mấy lời kính cẩn chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu để lãnh đạo nhân dân và kháng chiến thắng lợi.
Bác dặn kỹ đồng chí liên lạc chú ý giúp đỡ tôi khi đi đường, rồi Bác cho tôi về.
(La Văn Cầu, Anh hùng quân đội – Đại biểu Quốc hội kể, Giang Bình ghi)
Trích “Kể chuyện Bác Hồ tập 6”, trang 20 – 25; Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2017. – 308tr.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030075
Phòng Mượn: MVV.037613

Views: 750