Câu chuyện tâm đắc của hai cụ đồ nho ở huyện Nam Đàn
Cụ Giáp cầm bát nước chè xanh lên môi rồi đặt xuống, gật gù bảo bạn:
– Bác ạ! Câu sấm ngày xưa ý chừng đã hiệu nghiệm rồi đấy. Càng nghiệm thì càng vinh cho huyện Nam Đàn ta.
– Bác bảo câu sấm nào?
– Chứ bác không nhớ câu: …
…Đụn Sơn phân giá
Bò Đái thất thanh
Nam Đàn sinh thánh… à?
Bây giờ rú Đụn ta cũng chí giới rồi, mà khe Bò Đái thì không chảy nữa. Đất ta có thánh thì phải.
Cụ Ất gật đầu.
– Phải đấy, nhưng theo bác thánh Nam Đàn là ai?
– Bác còn phải hỏi làm gì. Chính Cụ Hồ Chí Minh chứ ai?
Cụ Giáp trầm ngâm:
– Nói Cụ Hồ thì đúng. Nhưng tôi nghe câu sấm truyền đã lâu. Mà câu chuyện rú Đụn và khe Bò Đái cũng xảy ra từ dạo đầu thế kỷ này cơ. Cho nên có người nói thánh Nam Đàn là cụ Phan Bội Châu kia.
Cụ Ất cười:
– Tôi cũng đã nghe giải thích như thế rồi. Mà cụ Phan Bội Châu quê ta cũng là một lãnh tụ xuất sắc, là người được quốc dân ngưỡng mộ một thời. Xem cụ là thánh như Cụ Hồ cũng xứng đáng thôi! Có điều, tôi tin câu sấm truyền nói về Cụ Hồ hơn vì tôi được một câu thần mộng, bác ạ!
Cụ Giáp trố mắt nhìn bạn một phút rồi hỏi dồn:
– Thế à? Chuyện thần mộng nào lại liên quan đến vị thánh Nam Đàn? Bác kể cho tôi nghe chuyện đi! Thú vị đấy.
– Thế này bác ạ. Chính tôi cũng có một hôm bỗng nhiên cứ suy nghĩ về câu sấm nói đến thánh nhân xuất hiện ở Nam Đàn ta. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại không biết câu sấm chỉ vào Cụ Hồ hay cụ Phan là đúng. Thế rồi ngay giữa trưa hôm ấy, nằm thiu thiu ở chính giữa phản này, tôi bỗng thấy có một vị thần đập vào vai tôi. Tôi nghe rõ ràng và nhớ như in lời Người phán bảo: “Có gì mà suy nghĩ nhiều. Hãy nhớ lấy câu này suy ra thì biết”. Thế rồi vị thần đó đọc cho tôi hai câu lục bát:
Trăng xưa dọi tỏ lòng người
Treo gương nhật nguyệt cho đời soi chung.
Đọc xong là Ngài biến mất! Tôi giật mình tỉnh dậy, cứ đi quanh đi quẩn lại nhẩm lại đọc câu thơ, lâu rồi cũng vỡ nghĩa ra. Bác thử đoán xem có đúng không?
Cụ Giáp đọc lại câu thơ nôm. Tiện tay cụ với lấy giấy bút để trên án thư viết “đằng tả” hẳn hoi, rồi bóp trán suy nghĩ. Bỗng cụ vỗ đùi đánh đét rồi reo lên:
– Thôi phải rồi! Thật quý báu! Bác được câu thần mộng quý giá vô cùng. Câu chiết tự bác ạ! Phải! Phải! Chiết tự!
Cụ Ất nheo mắt mỉm cười:
– Bác quả là tinh thông. Tôi cũng như bác cho đây là câu chiết tự. Thần nhân đã dạy quả không sai.
Chàng con trai cụ Giáp ở dưới nhà mang tiếp ấm nước sôi lên. Anh thấy hai cụ có phần đắc ý thì cũng vui lây, mạnh dạn đến gần:
– Hai ông có điều gì thích thú vậy, có cho con nghe được không?
Cụ Ất gọi anh lại, chỉ vào trang giấy:
– Đây này, hai câu lục bát nguyên là câu thần mộng một ban cho tôi. Chúng tôi đều nhất trí câu Ngài phán cho người trần mắt thịt biết Cụ Hồ là bậc thánh nhân rạng rỡ muôn đời. Anh có hiểu không?
Anh con trai nhìn vào mảnh giấy. Vì là con cụ đồ nên anh cũng lõm bõm được vài từ Hán, chữ Nôm. Nhưng anh lắc đầu:
– Thưa bác, cháu chẳng thấy câu nào nói đến Cụ Hồ cả.
Cụ Ất cười:
– Các anh không được học chữ Hán thì thấy làm sao được. Lại đây tôi giảng cho mà nghe.
Cụ chỉ vào từng chữ, ôn tồn phân tích:
– Đây nhé: Câu này có hai chữ “trăng xưa”, dịch ra chữ Nho là “cổ nguyệt”, hai chữ cổ nguyệt ghép vào nhau thành chữ “Hồ”. Lại có hai chữ “lòng người”, dịch ra chữ Nho là “sĩ tâm”, mà chữ “sĩ” ghép với chữ “tâm” thành ra chữ “Chí”. Còn đây, rõ hơn nữa: hai chữ “nhật nguyệt” ghép với nhau thành chữ “Minh”.
Vậy rõ ràng câu thơ có ba chữ Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh “treo gương sáng cho đời soi chung”. Thế là bậc thánh. Thánh của nước ta và của cả loài người, cả các thế hệ nữa! Đời soi chung kia mà! Anh hiểu chưa?
Trích “Kể chuyện Bác Hồ tập 4”, trang 89-92; Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2019. – 128tr.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030080
Phòng Mượn: MVV.037611
Views: 11624