Cán bộ và đời sống mới
Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc.
Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu.
Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng.
Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu.
Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng.
Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời.
Nhất là trong lúc kháng chiến cứu nước này, mỗi phút đều là quý báu. Một đồng tiền, một hột gạo, đều là quý báu.
Mỗi một người cần phải cố gắng làm công việc của hai người. Công việc thường làm trong hai ngày, nay phải cố gắng làm xong xuôi chu đáo trong một ngày.
Người xưa có câu: Một phút đáng giá ngàn vàng, thật là đúng. Thí dụ: Được tin địch kéo qua nơi nọ, ta biết sớm mấy phút, chuẩn bị sẵn sàng mà tập kích, thì ta thắng lợi. Nếu biết chậm mấy phút, thì sẽ thất bại.
Vì vậy, từ người cán bộ cấp trên cho đến cán bộ giao thông, đều phải siêng năng, đều phải tiết kiệm thì giờ, cần và kiệm, hai điều đó đi đôi với nhau.
Về vật chất cũng thế.
Lúc này, đồng bào làm đổ mồ hôi nước mắt, lo tăng gia sản xuất, để giúp Chính phủ, giúp chiến sĩ, một người làm để nuôi mấy người. Lại có những đồng bào tản cư, thiếu thốn mọi mặt. Vì vậy, một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác. Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch.
Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, những lạm, giả dối. Thậm chí là chợ đen chợ đỏ, thụt két, buôn lậu.
Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính.
Nhiều cán bộ đã theo dòng Đời sống mới.
Nhiều cán bộ đang cố gắng làm cho đúng.
Nhưng còn có một số, vẫn áo quần bảnh bao, ăn uống xa xỉ. Thậm chí cờ bạc, rượu chè. Họ còn “các quan” lắm!
Họ mượn tiếng rằng: Phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện.
Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín thể diện, thì phải làm việc cho giỏi.
Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín thể diện, thì mấy chàng Sở khanh chẳng nhiều thể diện oại tín lắm ư?
Mà Hồ Chủ tịch, quanh năm bốn mùa, chỉ mặc một bộ áo vải ka-ki cũ, mỗi ngày chỉ có rau ăn rau, có mắm ăn mắm. Như thế, Người chẳng mất oai tín thể diện đi sao?
Hỡi các bạn kia ơi! Các bạn phải hiểu rằng: Trong lúc này, hoang phí xa xỉ là:
Trái với tư cách của những người yêu nước, những người cán bộ.
Trái với lòng dân, trái với đạo đức cách mạng.
Trái với cả oai tín và thể diện của các bạn.
Các bạn phải mau mau sửa đổi cho xứng đáng là người yêu nước, là người cán bộ.
Chúng ta phải nêu ra khẩu hiệu: Cán bộ phải thực hành Đời sống mới!
Bài Bác viết dưới bút danh AG,
đăng báo “Sự thật”, số 88, ngày 2-9-1947
đăng báo “Sự thật”, số 88, ngày 2-9-1947
Trích “Những câu chuyện kể về đức tính tiết kiệm của Bác Hồ”, trang 104 – 105; Nxb. Lao động, 2008. – 136tr.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Đọc: DVL.008182
Phòng Mượn: MVL. 007705, MVL. 007706
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Đọc: DVL.008182
Phòng Mượn: MVL. 007705, MVL. 007706
Views: 32