Các đồng chí chê tôi già à?
Vào tiết cuối năm, trời rét, chúng tôi đi gấp. Quá trưa đã gần tới Lục Tùng, cách Tĩnh Tây trên hai mươi cây số. Hai ngày sau, chúng tôi về đến vùng hoạt động của các đồng chí Hà Quảng và được lệnh dừng chân lại ở làng Nậm Quang và Ngàm Tấy, tuyên truyền vận động quần chúng.
Gần một tháng sau, Bác về tới Nậm Quang. Tại đây, chúng tôi được dự lớp huấn luyện chính trị do Bác đặt chương trình và trực tiếp chỉ đạo. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn chương trình và trực tiếp giảng dạy. Chương trình gồm ba mục lớn:
– Tình hình thế giới và trong nước.
– Tổ chức các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh.
– Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng.
Học viên ở phân tán trong nhà dân, sáng dậy phân công nhau đi gánh nước, làm vệ sinh quanh nhà ở. Vào kỳ giáp Tết dân hai làng đều lo chuẩn bị củi, Bác chỉ thị cho cả lớp giúp dân. Bác cũng đi vác củi với anh em. Tôi ngăn “việc lấy củi để bọn trẻ chúng tôi làm Bác ạ…”. Bác mỉm cười nói:
– Các đồng chí chê tôi già? Các đồng chí làm được, tôi cũng làm được. Tôi phải rèn luyện hàng ngày chứ? Rèn luyện tốt khi gặp biến ta có thể lanh lẹ ứng phó.
Chúng tôi sống rất kham khổ, bữa chỉ ăn có vài bát cháo ngô loãng với muối và rau xanh, nhưng không ai phàn nàn. Bác và các cán bộ phụ trách cùng đồng cam chịu khổ với học viên.
Từ những ngày đầu của lớp học, Bác đã căn dặn chúng tôi kỹ lưỡng về năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân:
Năm điều nên làm là:
– Giúp những công việc thiết thực hàng ngày.
– Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng.
– Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây cảm tình tốt với dân.
– Tùy nơi tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp.
– Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật, do đó dân càng tin và giúp ta.
Năm điều nên tránh là:
– Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa, ruộng vườn của dân.
– Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thức gì cho kỳ được.
– Tránh sai lời hứa.
– Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân.
– Tránh lộ bí mật.
Thực hiện tốt và đầy đủ các điều Bác dạy, lớp học đã thực sự góp phần gây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương, được nhân dân tin yêu ngay từ đầu.
Chúng tôi học ở ngoài trời, ai biết chữ thì ghi chép, ai mù chữ thì ngồi nghe, người hiểu nhanh nhắc lại cho người hiểu chậm. Hết phần nghe giảng đến phần thực tập. Chúng tôi chia thành hai nhóm, một nhóm đóng vai cán bộ, một nhóm đóng vai nhân dân. Nhóm đóng vai nhân dân nghe gì chưa rõ thì nêu ra, đề nghị giải thích thêm. Các cán bộ hướng dẫn đều đóng vai nhân dân để đưa ra những câu hỏi và bổ khuyết kịp thời.
Các bài giảng đều được Bác duyệt rất kỹ. Sau một bài lại rút kinh nghiệm ngay cho bài sau. Buổi nào Bác cũng nghe giảng hoặc dự những buổi thảo luận để cải tiến phương pháp giảng dạy và học cho thiết thực.
Bác rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ có đức độ và tác phong công tác tốt. Ngày nào Bác cũng nhắc nhở chúng tôi nghiêm khắc giữ đúng năm điều nên làm và năm điều nên tránh. Vào những ngày 28 – 30 Tết ở Nậm Quang, Bác đến hỏi thăm từng gia đình, nói chuyện thân mật, vui vẻ với người già bằng tiếng dân tộc. Phong tục người Nùng ở Ngàm Tấy không để khách ngủ ở nhà từ đêm 30 Tết đến trưa ngày mồng một. Bác khuyên anh em lên lán để ở. Ngày Tết người ta thường đưa tiền phong bao cho các cháu. Bác đã chú ý cả đến tục lệ này. Bác cho đủ sẵn tiền xu. Tết đến, tất cả các cháu ở hai làng Nậm Quang, Ngàm Tấy đều nhận được tiền phong bao của cán bộ Việt Nam, mỗi gói một đồng xu.
Lớp học của chúng tôi là lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên của nước ta, kết thúc vào ngày cuối năm Canh Thìn (26-1-1941). Lớp học ngắn ngày nhưng mỗi chúng tôi đều cảm thấy mình lớn lên và có hướng đi rõ ràng.
Anh em lên đường, Bác vui vẻ nói:
– Thế là bốn mươi ba con đại bàng đã bay đi, sắp tới sẽ báo tin lành về. Ta phải chuẩn bị đón tiếp tin lành ấy.
Sau lớp học, anh Văn và anh Đồng trở lại Tĩnh Tây. Năm anh em chúng tôi gồm các anh Phùng Chí Kiên, Thế An, Cáp, Lộc và tôi được theo Bác từ Nậm Quang (Tĩnh Tây) về nước. Hôm ấy là ngày 8 tháng 2 năm 1941.
Chúng tôi ăn cơm sớm ở Nậm Quang, chào bà con, rồi lên đường.
(Lê Quảng Bá kể, Hà Minh Tuân ghi)
Trích “Kể chuyện Bác Hồ tập 6”, trang 13 – 16; Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2017. – 308tr
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030075
Phòng Mượn: MVV.037613
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030075
Phòng Mượn: MVV.037613
Views: 22