Quân đội nhân dân Việt Nam: Biểu tượng trung thành và sức mạnh dân tộc
Nội dung chính trong Thông tin chuyên đề: Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG TRUNG THÀNH VÀ SỨC MẠNH DÂN TỘC
Trải qua chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (22-12-1944/22-12-2024), Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây đắp nên truyền thống quý báu, vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Một là, trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hai là, quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng.
Ba là, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí.
Bốn là, đoàn kết nội bộ, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng thống nhất ý chí và hành động.
Năm là, kỷ luật tự giác, nghiêm minh.
Sáu là, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công.
Bảy là, lối sống trong sạch, lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan.
Tám là, luôn luôn nêu cao tinh thần ham học, cầu tiến bộ, nhạy cảm, tinh tế trong cuộc sống.
Chín là, đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2024), Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quân đội ta trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và nhân dân
Đây là truyền thống mang giá trị định hướng đúng đắn cho toàn bộ hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền với vận mệnh của dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Truyền thống này xuất phát từ nguồn gốc ra đời, bản chất, mục tiêu chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập, tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; là lực lượng vũ trang cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng cao cả là quyết giành, giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Ngoài mục tiêu lý tưởng đó ra, Quân đội ta không có mục tiêu nào khác.

Thực tiễn trên các chặng đường đấu tranh cách mạng, Quân đội ta luôn nhất mực trung thành, chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ngay sau khi thành lập, theo chỉ thị của Trung ương Đảng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vừa xây dựng lực lượng, vừa tích cực đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền kết hợp với đánh giặc, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng chung cả nước phát triển, chuẩn bị trực tiếp cho cuộc vận động tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 5 – 1945, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng khác trên cả nước hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Tổ chức Quân đội ta phát triển lên một bước mới. Tháng 8-1945, thời cơ chiến lược xuất hiện, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, Việt Nam Giải phóng quân cùng đồng bào hăng hái vùng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945) – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc.
Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đứng trước tình thế hiểm nghèo (“ngàn cân treo sợi tóc”) khi cùng lúc phải đối phó ba loại giặc: “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm. Trong đó, khó khăn nổi bật là thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta hòng lập lại chế độ cai trị như cũ. Trước vận mệnh đất nước lâm nguy, toàn thể quân dân Việt Nam cùng nhau đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng và Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, nêu cao quyết tâm chiến đấu “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Cuộc kháng chiến kéo dài suốt 9 năm gian khổ (1945 – 1954). Trong cuộc đối đầu đầy cam go thử thách này, Quân đội nhân dân đóng vai trò nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, thể hiện rõ nét qua tổng số hơn 40 chiến dịch khác nhau, từng bước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của địch. Đặc biệt, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 / 7-5-1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, một quân đội cách mạng trang bị thô sơ hơn đã đánh bại hoàn toàn đội quân xâm lược nhà nghề của một cường quốc thực dân. Thắng lợi này cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Sau khi thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ liền “thay chân” nhảy vào xâm lược, âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, rồi dùng miền Nam làm bàn đạp để tiến công miền Bắc, ngăn chặn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa tại khu vực Đông Nam Á. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam kéo dài hơn hai thập niên (1954 – 1975) là cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất, quy mô lớn nhất thời đại. Đặc biệt, từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh cùng nhiều loại vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại sang trực tiếp tham chiến tại miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, Quân đội nhân dân tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, nêu cao tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cùng toàn Đảng, toàn dân không quản hy sinh, gian khổ, liên tiếp tiến công địch, tiêu biểu là tổ chức thực hiện gần 50 chiến dịch khác nhau. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26 đến 30-4-1975) kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam: Kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời tác động sâu sắc đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi (1975), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm trên mọi miền đất nước. Đặc biệt, Quân đội ta đã chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc (1977 – 1979), giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Trong những năm 1980 – 1986, Quân đội ta đã đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục – đào tạo, xây dựng nền nếp chính quy; tích cực tham gia xây dựng kinh tế, xã hội. Toàn quân đã tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn với nhiều binh khí kỹ thuật hiện đại trên các địa bàn chiến lược, góp phần rèn luyện, nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy của cán bộ và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.
Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12-1986) đến nay, Quân đội cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.
Đặc biệt, trước những biến động lớn của tình hình thế giới, nhất là sự khủng hoảng và sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu vào (cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX); mặc dù tình hình đất nước gặp vô vàn khó khăn (kinh tế khủng hoảng, các thế lực thù địch ra sức chống phá,…), song Quân đội ta vẫn luôn tuyệt đối trung thành cùng toàn Đảng, toàn dân nỗ lực tột bậc vượt qua thử thách ngặt nghèo của lịch sử, giữ vững con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ngày càng phát triển, thu nhiều thành tựu to lớn, hội nhập sâu rộng cùng quốc tế.
Trên suốt chặng đường 80 năm gian khổ và vinh quang ấy, đã có biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ, một lòng sắt son theo Đảng, theo tiếng gọi hồn thiêng sông núi, xông pha lửa đạn trên khắp chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh, cùng bao người còn mang thương tật suốt đời… Đó là minh chứng cho thấy sự tuyệt đối trung thành của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, truyền thống quý báu đó được thể hiện ở việc kiên định mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi Quân đội ta nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; gắn bó mật thiết với nhân dân, cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Trần Hữu Huy // https://www.qdnd.vn/
Views: 2