Phát triển xanh “chìa khóa” nâng tầm du lịch Bình Thuận: *Bài 1: Định vị bản sắc
Với vị trí địa lý đặc biệt thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Thuận là vùng đất hội tụ nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Ở ven biển cực Nam Trung Bộ, giáp vùng Đông Nam Bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận là địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – hội tụ xanh”. Lựa chọn hướng phát triển xanh, coi đây là “chìa khóa” mở rộng cánh cửa để du lịch bứt phá, tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đồng thời nhìn nhận rõ tồn tại để có hướng khắc phục, khẳng định chỗ đứng vững chắc của điểm đến trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Nhóm phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua chùm ba bài viết với chủ đề: Phát triển xanh “chìa khóa” nâng tầm du lịch Bình Thuận.
Bài 1: Định vị bản sắc
Với vị trí địa lý đặc biệt ở duyên hải Nam Trung Bộ, tiếp giáp các tỉnh Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên, Bình Thuận là vùng đất hội tụ nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
* Hội tụ tiềm năng phát triển du lịch xanh
Theo các chuyên gia, du lịch xanh có thể hiểu là phát triển du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa. Các sản phẩm du lịch hướng đến thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa, qua đó nâng cao đời sống cộng đồng, khuyến khích du khách tham gia có trách nhiệm vào bảo vệ môi trường.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) khẳng định: Sản phẩm du lịch xanh là sản phẩm có hàm lượng cao các yếu tố thân thiện về môi trường, được phát triển phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng và phát triển bền vững. Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày càng tăng, việc phát triển sản phẩm du lịch xanh, chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn của điểm đến du lịch, bên cạnh một số yếu tố khác như mức độ thuận lợi trong tiếp cận điểm đến, hình ảnh, thông tin về điểm đến.
Từ cách nhìn nhận này có thể thấy, Bình Thuận đang sở hữu nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng, quý giá để phát triển mạnh du lịch, định vị vững chắc giá trị của điểm đến bằng nhiều sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường, khai thác gắn với gìn giữ các các tài nguyên, thể hiện định hướng phát triển bền vững.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận thông tin, kể từ sau sự kiện nhật thực toàn phần vào tháng 10/1995 với hàng trăm nghìn người đến thành phố Phan Thiết và một số điểm đến ở các huyện, thị lân cận để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, từ những làng chài bình dị bên bờ biển xanh, địa danh Mũi Né – Phan Thiết nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Phát huy thế mạnh, xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch biển, đảo gắn với nghỉ dưỡng thể thao, trải nghiệm, năm 2020, Bình Thuận đã có Khu Du lịch Mũi Né được công nhận là Khu Du lịch quốc gia. Nhiều tạp chí, trang thông tin du lịch uy tín của quốc tế bình chọn Mũi Né là một trong những bãi biển đẹp, hấp dẫn nhất Đông Nam Á, một trong những điểm đến hàng đầu khu vực.
Nói đến du lịch Bình Thuận, không thể không nhắc tới những bãi biển đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng như: núi Ông, núi Tà Cú, Khu Bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong), những điểm đến có cảnh quan đặc trưng được nhiều người biết đến như đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, Mũi Kê Gà, suối Tiên, thác Bà… Không những thế, Bình Thuận còn là nơi hội tụ của nhiều sắc màu văn hóa, các di tích gắn với lịch sử hành thành và phát triển của địa phương, quá trình sinh sống của cộng đồng các dân tộc. Các tài nguyên du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề trên địa bàn tỉnh rất đa dạng như: Tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Vạn Thủy Tú, Dinh Thầy Thím, các lễ hội văn hóa đặc trưng mang tầm quốc gia Lễ hội Katê, Lễ hội Nghinh Ông, Cầu ngư, Lễ hội Dinh Thầy Thím, làng nghề gốm của đồng bào Chăm…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Khoa, Bình Thuận nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới điển hình, nhiều gió, nhiều nắng, số ngày nắng chiếm đa số nên các hoạt động du lịch có thể diễn ra quanh năm, vô cùng thuận lợi cho hoạt động tắm biển, nghỉ dưỡng của du khách. Đây là điểm đến có sức hút với những du khách yêu thích kỳ nghỉ ấm áp ở xứ sở nhiệt đới với không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, biển xanh, cát trắng và nắng vàng cùng những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc chung sống trên vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ.
* Lấy trải nghiệm của du khách là trung tâm
Trên cơ sở thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh cao, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: Phát triển du lịch theo định hướng xanh, bền vững không chỉ dừng lại ở việc dựa vào tài nguyên du lịch mà phải tổ chức xây dựng, hoàn thiện sản phẩm để phục vụ du khách ngày càng hoàn hảo, lấy trải nghiệm của du khách là trung tâm, đáp ứng nhu cầu cùng sự tin tưởng, kỳ vọng của du khách.
Hiện tại, cùng với các sản phẩm du lịch cao cấp như golf, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao địa hình, Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống. Bình Thuận đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng – thác – hồ – biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay), du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đang triển khai mô hình du lịch nhà vườn, du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch mới gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, đáp ứng các tiêu chí của phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai kế hoạch xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với các mô hình thí điểm như điểm tham quan vườn thanh long thuộc thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam; điểm đến của hộ dân Nguyễn Thanh Trúc ở thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam hay khu du lịch sinh thái Thác 3 tầng ở xã Đa Kai, huyện Đức Linh” – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho hay.
Lấy trải nghiệm của du khách là trung tâm, đón du khách như đón người thân trở về là phương châm hoạt động, cung cấp các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lưu trú ở Bình Thuận, góp phần khẳng định điểm đến thực sự hội tụ những giá trị xanh, gắn với môi trường trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc và con người nồng hậu.
Ông Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Seahorse Resort & Spa tại thành phố Phan Thiết chia sẻ: Khu nghỉ dưỡng luôn mong muốn du khách được trải nghiệm thật nhiều trong mỗi kỳ nghỉ, từ cơ hội được hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên rợp màu xanh của những thảm rau má, hàng dừa xanh, ruộng lúa, vườn hoa đủ sắc màu, bờ biển đẹp, cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp của điểm đến đã từng được công nhận danh hiệu Khách sạn xanh ASEAN. Trong từng dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí hay khi giới thiệu, phục vụ du khách các đặc sản ẩm thực, các nhân viên khu nghỉ dưỡng luôn chú ý sáng tạo, thái độ phục vụ luôn ân cần, chu đáo. Nhiều du khách đến khu nghỉ dưỡng đã đặc biệt ấn tượng khi được tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa ẩm thực của ngư dân vùng biển và thưởng thức đặc sản lẩu thả được chế biến, bài trí hết sức độc đáo trên những chiếc bẹ chuối có hình tựa những con thuyền nhỏ. Trên mỗi “thuyền” chứa một loại thực phẩm làm thành bông hoa nhiều cánh với sắc màu rực rỡ, nhụy hoa là đĩa cá mai – sản vật từ biển khơi được sơ chế cẩn thận và bày biện vô cùng “bắt mắt”.
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Linh Vũ thông tin: Tổ chức nhiều sự kiện điểm nhấn là một trong những cách làm của du lịch Bình Thuận nhằm mang đến cho du khách nhiều cơ hội trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên và những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, hoạt động làng nghề sinh động, chân thực.
Từ nay đến cuối Năm Du lịch Quốc gia 2023, Bình Thuận tiếp tục tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch biểu diễn nghệ thuật mang bản sắc văn hóa vùng biển. Đó là Tuần lễ văn hóa đường phố diễn ra ngày 25/8 – 3/9 với các hoạt động Caraval đường phố chủ đề “Sắc màu Bình Thuận”, biểu diễn âm nhạc đường phố, triển lãm di sản văn hóa biển, đảo, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, đặc sản địa phương, các tuyến du lịch nổi bật, trình diễn nghệ thuật dân gian; Tuần lễ vàng Du lịch Bình Thuận dự kiến từ 21-24/10 hay Lễ hội nghệ thuật biểu diễn thế giới từ ngày 7-12/12…, hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm và khám phá thú vị ở vùng đất biển xanh, cát trắng, nắng vàng, văn hóa đặc sắc, người dân thân thiện, hiền hòa./.
Trà – Thanh – Hiếu // https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn
Views: 0