Nhà văn Dương Hướng: ‘Tôi viết về chiến tranh để tìm kiếm hòa bình’

Với trách nhiệm của người cầm bút, vừa là người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, nhà văn Dương Hướng luôn xác định viết về chiến tranh để tìm kiếm hòa bình, đẩy lùi cái ác, tìm kiếm chân lí, đề cao chân thiện mĩ.

Cho đến nay, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 vẫn là một mùa giải lẫy lừng khi trao cho ba cuốn tiểu thuyết: Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Nỗi buồn chiến tranh (khi in lần đầu đổi tên thành Thân phận của tình yêu) của Bảo Ninh và Bến không chồng của Dương Hướng. Trong ba cuốn sách, cuốn sách của nhà văn Nguyễn Khắc Trường viết về nông thôn Việt Nam, sự bức bối của các mối quan hệ họ hàng giằng xé bao đời; hai cuốn còn lại đều là tiểu thuyết viết về chiến tranh, ở thời điểm trước và sau của cuộc chiến, với nhân vật chính là những người lính. Vết thương của họ dù hiện hình trên thân thể hay hằn lại trong tâm trí thì cũng chẳng dễ lành…

Trong tác phẩm đề tài hậu chiến của Dương Hướng, chiến tranh, dù là gạch nối thoáng qua nhưng là gạch nối quan trọng để ông gửi thông điệp của mình – một người cầm bút từng cầm súng trên chiến trường.

Hai chữ “hòa bình” âm vang mãi trong lòng mọi người

– Xin chào nhà văn Dương Hướng. Chúng ta đang sống trong khoảng thời gian của ngày kỉ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Hồi tưởng lại đôi chút, giờ phút khi nghe tin chiến thắng ông cùng đồng đội đang ở đâu, làm gì, thuộc biên chế đơn vị nào?

– Tôi cho rằng trong chiến tranh, tất cả người dân trên đất nước này, đặc biệt là những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu – không ai không mong đợi khao khát ngày thống nhất, Bắc Nam một nhà. Bởi chiến tranh đã làm cho vợ chồng chia li, cha con xa cách. Vì thế hai tiếng hòa bình đã trở thành chất xúc tác cực kì mạnh, tạo thành niềm hân hoan âm vang mãi trong lòng mọi người.

Tôi trước thời khắc lịch sử đó thuộc Trung đoàn Pháo cao xạ 573 (nay là Lữ đoàn Pháo phòng không 573, Quân khu 5) vào tiếp quản sân bay Đà Nẵng với khí thế long trời lở đất. Lính tráng còn kháo nhau rằng sẽ chuẩn bị nhận lệnh hành quân thần tốc vào giải phóng Sài Gòn. Nhưng chờ mãi chẳng thấy có lệnh nào đi giải phóng Sài Gòn thì đã nghe tin Sài Gòn giải phóng. Trong những ngày này, trên trục đường số 1 hai bên cờ hoa khẩu hiệu rợp trời. Bà con Đà Nẵng đổ ra từng tốp chào đón bộ đội tiến vào Sài Gòn với đủ các quân binh chủng…

– Vậy sau toàn thắng bao lâu thì ông về thăm nhà nơi làng quê Thái Thụy – Thái Bình. Tôi muốn biết cảm nhận thật của ông về làng quê lúc đó? Nó có gì đổi thay trong mắt chàng trai mười tám đôi mươi Dương Hướng (thời mới nhập ngũ) và chàng thanh niên Dương Hướng đã trải qua trận mạc, đối diện nhiều lần cái sống và cái chết?

Bến không chồng, tiểu thuyết đình đám của văn chương Việt.

– Sau giải phóng một năm (1976) tôi ra quân chuyển ngành về Hải quan Quảng Ninh. Lúc này mới được dịp về thăm quê, gặp lại người thân sau năm năm liền ở nơi rừng sâu. Nhớ lại khi đó đại đội tôi toàn lính mới toe cùng huyện Thái Thuỵ, Thái Bình. Cả đơn vị phải hành quân bộ cả tháng trời mới vào tới chiến trường.

Thú thực với bạn, tôi là người lớn hơn vài ba tuổi so với đồng đội nên hay cả nghĩ. Trong những tháng năm gian khổ tôi được chứng kiến không biết bao chuyện vui buồn sống chết của đồng đội. Có những chuyện mở lòng nói ra được, có chuyện được đồng đội tin cậy gởi gắm nỗi riêng tư sâu kín không thể nói ra vì lời hứa danh dự, vì nhân tình thế thái thời cuộc. Có cả những mở lòng bộc bạch trước giờ ra trận, tâm tư tình cảm ước mơ, nhưng rồi ngay sau đó đã “áo bào thay chiếu anh về đất”, câu chuyện dở dang thành nỗi khắc khoải khó quên.

Và rồi khi về tới hậu phương, tôi bỗng như bừng tỉnh ra mọi chuyện. Nhìn xóm làng như vừa trải qua cơn bão lớn. Bão của thời cuộc. Mặt mẹ, mặt chị già đi. Bạn gái cùng trang lứa cũng già đi…

Nói thêm, chuyện vui ngày đầu từ chiến trường trở về của tất cả những chàng trai nông thôn lúc ấy là trên balô ai cũng chằng khung xe đạp và con búp bê váy hồng có đôi mắt nhấp nháy. Tôi cũng không ngoại lệ. Cùng ra quân một đợt lại cùng quê với nhau, cùng ngồi tàu Thống Nhất về tới ga Nam Định vào tầm 2 giờ đêm, tất cả đồng đội đều ngủ quên. Khi nghe có tiếng loa của nhà ga thông báo mọi người mới bừng tỉnh cuống cuồng tìm balô, chưa kịp xuống tàu đã xình xịch lăn bánh, tất cả hô to “nhảy”, thế là phốc đại xuống sân ga, ngã chỏng chơ, may mà chả chàng nào bị thương, khung xe lẫn búp bê đều nguyên vẹn.

Sau đó, cả bọn háo hức cuốc bộ về nhà. Vừa đến nơi thì gặp chú Vạn lính Điện Biên ngực lấp lánh huân chương bước tới quát: “Mày lại tha cả đồ tư bản về làng sao…”, rồi ông nhìn khung xe đạp như thể thứ đồ xấu xa bẩn thỉu có mùi của kẻ thù. Đáp lại, những ngày sau tôi trêu chú bằng cách câu trộm điện lưới phục vụ thủy lợi (mà người dân chưa được dùng) mở hết âm lượng băng cải lương Lan và Điệp cho bà con cả xóm nghe…

Giờ nhớ lại, tất cả những cảnh sinh hoạt của làng quê nó sống động, buồn vui, trái ngang lẫn lộn. Tiểu thuyết Bến không chng của tôi sau này cũng bắt đầu từ những chi tiết hiện thực sinh động này.

Trọng trách của văn học là thức tỉnh

– Có nhiều bài nghiên cứu vẫn nói đến thân phận người phụ nữ thời chiến và hậu chiến trong tiểu thuyết của ông như Bến không chồng, hay Bóng đêm và mặt trời (lần in đầu năm 1991, lấy tên Trần gian đời người). Nhưng tôi thấy người đàn ông cũng đau khổ đâu có kém gì. Đó là lão Vạn, Xung, Nghĩa… trong Bến không chồng, hay như lão Kình, Đô, Bức, Ngô Quất, Cả Lạnh… trong Bóng đêm và mặt trời. Họ vừa phải sống (đã đành) họ còn phải mang/ giữ nhiều thứ rất khó chia sẻ, cả tốt lẫn xấu như: sự gia trưởng, tình yêu chân thành cho mối tình đầu, sự sám hối, dằn vặt vì việc làm trong quá khứ… Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

– Đúng vậy, đây là câu hỏi lớn mà ít ai nghĩ tới. Trong các tác phẩm của tôi phản ánh rất rõ những nét đặc trưng của phong tục tập quán, văn hóa làng quê truyền thống Bắc Bộ, khi thời chiến đàn ông xông pha nơi trận mạc, đàn bà chăm lo nơi hậu phương, giữ lòng thủy chung son sắt. Đến khi hòa bình lập lại, người đàn ông phải thể hiện sự lo toan cai quản gia đình, lo toan kinh tế và trọng trách với đời sống tinh thần xã hội.

Điều này dẫn đến những xung đột với họ cũng lớn, tính toán mưu mô cũng cao và thâm sâu hơn. Đặc biệt là người đứng đầu một gia tộc, một dòng họ, một làng xã. Tiêu biểu trong tác phẩm Bóng đêm và mặt trời nói tới nhân vật Ngô Quất và lão Kình.

Ngô Quất vì cái danh cán bộ, cộng với nhận thức ấu trĩ mê muội nên từ bỏ thành phần gia đình có ông bố bằng nghề gắp phân trở nên giàu có nhất làng, sau bị quy thành phần địa chủ. Còn lão Kình, để trả thù cho con trai bị bắn oan đã bỏ tiền ra mua vòng cầu hôn, để cưới bằng được con gái của kẻ đã giết con trai mình về làm dâu để có cơ hội hành hạ, trả thù.

Còn trong Bến không chồng, Nguyễn Vạn để bảo vệ niềm kiêu hãnh là người chiến sĩ Điện Biên đã chọn cách tự tử, khước từ hạnh phúc khi Hạnh dắt con gái Ban Mai về…

Thế mới thấy nếp nghĩ hằn sâu, đã thấm vào máu thịt con người ta quả thật khó mà thay đổi. Muốn thức tỉnh – đó là trọng trách của văn học.

Bóng đêm và mặt trời – tiểu thuyết mới được phát hành Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

– Từ truyện ngắn đầu tay Ô cửa mặt trời mọc đăng trên Văn nghệ Hạ Long quãng những năm 1985, đến tập truyện ngắn Gót son năm 1989, nhiều đề tài đã được ông thể nghiệm, nhiều vùng đất được nhắc đến, nhưng điều gì thúc đẩy khiến ông cuối cùng chọn quay lại mảnh đất quê làng Đông làng Đoài trong Bến không chồng chứ không phải là Hạ Long – Quảng Ninh (mảnh đất du lịch phát triển từng ngày từng giờ) nơi ông sinh sống và công tác?

– Mỗi người viết một tạng riêng chẳng ai giống ai. Tôi nhận thấy đề tài chiến tranh người lính và nông thôn phù hợp với bản thân mình. Và nông thôn ở đâu, nó không thể ở Hạ Long được rồi. Phải về không gian làng Đông làng Đoài, nơi kí ức của tôi hiển hiện, nơi câu chuyện của người xunh quanh ngấm dần vào mỗi trang văn. Mà “người xung quanh” kể ra thì nhiều lắm, nhưng có điểm chung họ đều là những người sinh ra từ làng quê, lớn lên và thoát ly, có thành công và thất bại, có giàu và nghèo. Nhưng dù thế nào đi nữa khi bước chân về làng họ đều tự hào về quê hương đã sinh ra mình.

Trong tiểu thuyết Dưới chín tầng trời thể hiện rất rõ điều này: từ nhân vật Trần Tăng ủy viên trung ương, đến tướng Hoàng Kì Trung, đến Đào Kinh tỷ phú, cho đến cả ba cô con gái Muôi Muỗng Thìa con bà Cháo phải đi làm đĩ – đến ngày hội làng cũng háo hức về tình nguyện ủng hộ tiền cho làng xã mừng ngày hội. Rồi đến kẻ phản bội Tổ quốc như đại úy Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Hiền từ Mỹ về cũng góp tiền của xây chùa làm đường ra cánh mả Rốt tiễn đưa những linh hồn người chết về nơi vĩnh hằng…

Người cầm bút nhìn xa và sâu hơn về chiến tranh

– Ở tiểu thuyết mới nhất của ông Lời người gác đèn – được nghiệm thu tại cuộc vận động sáng tác với chủ đề: “Sống mãi với thời gian” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôi vẫn thấy ông đau đáu với chủ đề hậu chiến. Nói sao nhỉ, trong tiểu thuyết của ông, kể cả Dưới chín tầng trời thì không gian truyện thường có ba phần rất rõ: trước – trong – sau chiến tranh. Chiến tranh ở đây chỉ là gạch nối thoáng qua – nhưng là gạch nối quan trọng – vì nó thúc đẩy nhận thức, làm biến đổi các mối quan hệ sau này ở thời hậu chiến. Phải chăng sau một cuộc chiến, khi đã hòa bình, không còn hăng say: máu/ lửa/ và hoa hồng cho người chiến thằng thì người ta mới nhìn mọi việc rõ ràng và cảm thông hơn?

– Đây là quy luật tất yếu. Tôi và đồng đội tôi, những người đã trực tiếp cầm súng hiểu điều này hơn ai hết. Chiến tranh là có hi sinh đổ máu. Sau chiến tranh chúng ta phải nhanh chóng khắc phục hậu quả để đưa đời sống con người trở lai bình thường: tức là phải có đời sống tinh thần và nhu cầu hạnh phúc chính đáng, những gì mất mát thiếu thốn trong chiến tranh phải được bù đắp.

Cũng chính từ đó ta dần nhận ra chiến tranh đã làm tâm hồn ta trở nên khô cứng sắt đá. Đã từng có những suy nghĩ cứng nhắc, lên gân, khiến đời sống tinh thần con người méo mó, đôi lúc lệch lạc tới mức ấu trĩ. Những hạn chế của thời đại dẫn tới cách cư xử tàn nhẫn, hà khắc, cay nghiệt giữa con người với con người. Vết thương giữa người chiến thắng và kẻ bại trận vẫn chưa được nhìn nhận thấu đáo…

Với nhà văn, nhận thức điều này thể hiện rõ từ năm 1986 – 1991, trong cao trào đổi mới cải cách toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội, kéo đến tận bây giờ. Trong cái guồng chung đó người cầm bút nhìn xa và sâu hơn, bừng tỉnh nhận ra căn nguyên gốc rễ sự hạn chế của đời sống đương đại. Để rồi có nhiều tác phẩm mới về chiến tranh ra đời, dưới cái nhìn trung thực từ hai phía (địch – ta).

Nhà văn Dương Hướng. Ảnh: NVCC.

Với Lời người gác đèn, tôi xác định có lẽ đây là tác phẩm cuối cùng của mình nên đã dày công suy ngẫm về cuộc chiến tranh trường kì của dân tộc trong suốt những năm chống Mỹ. Trên tinh thần trách nhiệm của người cầm bút, vừa là người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường tôi bày tỏ quan điểm của mình dưới cái nhìn chân thực nhất. Ở đây, tôi không thiên về mô tả các trận đánh mà nhìn vào từng số phận con người cụ thể, nhìn vào một gia đình cụ thể, một làng quê và một dân tộc cụ thể.

Câu hỏi lớn được đặt ra: “Nguyên cớ gì dẫn đến cuộc sống của nhân vật bị chia cắt, đổ vỡ?”. Tìm hiểu, suy đến kiệt cùng, những mâu thuẫn chính của vấn đề là mâu thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn do đấu tranh giai cấp, những mối thù bởi mông muội lạc hậu ấu trĩ mà ra, cùng những tác động lớn từ yếu tố chính trị…, tất cả mọi mâu thuẫn đã tác động đến đời sống tinh thần, tới số phận con người, gây chia rẽ đến từng gia đình, từng làng quê, đến cả một dân tộc bị chia cắt Bắc Nam đôi ngả…

Tôi xác định viết về chiến tranh để tìm kiếm hòa bình, đẩy lùi cái ác, tìm kiếm chân lí, đề cao chân thiện mĩ. Và tiểu thuyết Lời người gác đèn là tác phẩm viết về chiến tranh khởi đi từ một làng chài ven biển, các nhân vật của làng đã góp mặt vào lịch sử của dân tộc này.

– Tiểu thuyết của ông bắt nguồn từ đời sống. Vậy có khi nào ông bị các nhân vật của mình chất vấn, “hạch tội”, rằng họ không thế mà ông viết thế, viết thế… Hiện nay có nguyên mẫu nào mà ông vẫn thường xuyên tới thăm, gặp gỡ mỗi khi về lại quê?

– Chuyện này trước đây cũng đã gặp vài lần, nhưng bây giờ thì không còn nữa. Như nhân vật người thợ ảnh phố huyện trong Bến không chồng, trước đây tôi vẫn e ngại không dám gặp mặt vì đã viết về mặt trái của anh ta. Nhưng đợt rồi, khi giáo sư người Đức Guenter Giesenfeld (người tổ chức dịch tiểu thuyết Bến không chồng sang tiếng Đức) đã cùng tôi tìm về tận nhà nhân vật thợ ảnh để tìm hiểu, khiến câu chuyện nặng nề hóa giải trở nên nhẹ nhàng, thú vị.

Mấy chục năm trời qua đi, giờ tôi mới biết hóa ra nhân vật phản diện này cũng rất hào hoa và hiểu chuyện. Lúc đó, anh ta có dáng đi thập thễnh không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội trong khi trai làng ra trận hết. Vì vậy, anh ta trong mắt người làng thành kẻ trai lơ tán gái giỏi… Chàng trai thợ ảnh phố huyện ngày nào bây giờ đã là lão già gần 80, nhưng vẫn giữ được nét phong lưu, da hồng hào với bộ râu quai nón.

Ông bảo với tôi rằng: “Cái thời chiến tranh nó phải thế, cả làng đàn ông ra trận hết, chỉ còn mỗi tớ đàn ông ở nhà… Nó vừa là thần tượng của chị em, vừa là cái gai trong mắt thiên hạ”. (Cười)

– Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam dự xét giải hàng năm của Hội, ông còn làm giám khảo nhiều cuộc thi viết, ông nghĩ sao về văn học về đề tài chiến tranh hiện nay? Khi thế hệ người viết thời chống Pháp chẳng còn, thế hệ chống Mỹ đang rơi rụng dần, người viết về chiến tranh biên giới Tây Nam thì cũng đang đi vào lối mòn, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc thì tác phẩm còn ít và thưa thớt – chủ yếu ở thể loại hồi ức, ghi chép.

– Tôi nghĩ rằng đề tài chiến tranh sẽ mãi mãi tồn tại đối với các nhà văn chân chính trên thế giới này, bởi từ khi loài người sinh ra chưa lúc nào được bình yên. Dịch bệnh là do thiên (trời) định. Riêng có chiến tranh do con người là thủ phạm. Căm ghét chiến tranh cũng là con người, mà tạo ra chiến tranh cũng chính con người.

Thế giới có nhiều nhà văn viết về chiến tranh hay như nhà văn Đức Erich Maria Remarque trong Phía tây không có gì lạ, Svetlana Alexievitch (Nobel Văn học 2015) với Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ

rở lại câu hỏi văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh, theo tôi đây là đề tài mãi không bao giờ cũ, cho dù chiến tranh đã lùi xa với chúng ta. Bằng chứng là khi tôi được mời đọc giám định trong hội đồng chung khảo xét giải 5 năm của Bộ Quốc phòng đầu năm nay, nhận thấy đề tài chiến tranh được các tác giả quan tâm ở đủ mọi lứa tuổi, ở đủ thể loại như: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí… phản ánh trung thực, sống động về chiến tranh, người lính thời chiến lẫn thời bình, với chất lượng chung khá tốt.

– Vậy liệu người viết trẻ, thế hệ 9X và 2000 có còn say mê, tiếp nối với câu chuyện thời chiến từ cha ông, khi trước đó, theo như tôi quan sát thế hệ 7X (những người sinh ra trong chiến tranh), 8X (những người sinh ra trong bao cấp) đã ngãng dần với đề tài này.

– Nói thế nào thì nói, đề tài chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng cho người cầm bút là những nhà văn từng trải qua trận mạc, khi kí ức chiến trường đã ăn sâu trong tâm trí. Còn với lớp nhà văn trẻ hiện nay, như tôi quan sát tuy họ cũng trăn trở và tìm hiểu những câu chuyện thời chiến, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau họ vẫn còn e ngại chưa dám “xông pha” vào lĩnh vực mà lớp đàn anh đã trải nghiệm, có nhiều thành công.

Nhưng cứ chờ đi, tôi tin dưới sự lùi xa của thời gian họ sẽ có cái nhìn toàn cảnh hơn về chiến tranh, phản ánh bằng ngôn ngữ của thế hệ mình.

– Từ Lời người gác đèn, liệu ông có dự định gì trong tương lai cho việc viết của mình?

– Với tuổi tôi bây giờ chẳng nói trước được điều gì, mọi thứ tùy duyên. Như khi viết xong cuốn tiểu thuyết Dưới chín tầng trời, bị hạn chế tái bản suốt nhiều năm bây giờ mới được trở lại bình thường. Ngày ấy tôi cũng nghĩ sẽ chẳng viết được gì nữa.

Nhưng rồi đùng một cái nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế bảo tôi hãy viết vài ba chục tập kịch bản phim về đề tài biển đảo, có đặt hàng. Tôi nghĩ cứ thử sức mình lần nữa, thế là cặm cụi viết xong đề cương với bối cảnh 30 tập phim gửi cho đạo diễn. Sau vài tuần đạo diễn trả lời nguyên văn: “Chủ đề đồ sộ, với bối cảnh không gian thời gian rộng quá, không làm nổi”. Tôi thất vọng và tiếc công sức cho cái đề cương, bèn nảy sinh chuyển sang viết tiểu thuyết. Gọi là chuyển thể ngược. Bởi xưa nay những bộ phim lớn, kinh điển đều chuyển thể từ tác phẩm văn học, nay tôi bất đắc dĩ chuyển từ đề cương phim sang tiểu thuyết.

Có lẽ yếu tố giúp tôi hoàn thành Lời người gác đèn là để bù đắp cho mảnh đất quê hương thứ hai của tôi là Quảng Ninh, nơi tôi đã nhiều năm gắn bó mà chả viết được gì về nó…

Đinh Phương // https://znews.vn

Views: 4