Bình Thuận phát triển khá toàn diện sau 50 năm giải phóng
Tối 19/4, Bình Thuận đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (19/4/1975-19/4/2025).
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng; Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông và một số lãnh đạo các tỉnh, thành phố…
Tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (19/4/1975-19/4/2025)
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đã ôn lại lịch sử hào hùng 50 năm Ngày giải phóng Bình Thuận.
Chiến thắng ngày 19/4, giải phóng thị xã Phan Thiết là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, táo bạo, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược của các lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến thắng này đã góp phần quan trọng, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Sau 50 năm giải phóng và 33 năm tái lập tỉnh, Bình Thuận đã nỗ lực vươn lên từ một địa phương nghèo, kinh tế kém phát triển, thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nay đã phát triển khá toàn diện.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh phát biểu tại lễ kỷ niệm
Đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Thuận gấp hơn 33 lần so với thời điểm tái lập tỉnh (năm 1992), đạt hơn 128 nghìn tỷ đồng, xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 58,9 triệu đồng, gấp 43,6% so với năm 1992.
Đáng chú ý, trong 10 năm gần đây, Bình Thuận đã đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; Tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Công nghiệp trở thành lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho kinh tế của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Toàn tỉnh có 48 nhà máy phát điện với các loại hình nhiệt điện, thuỷ điện, phong điện, quang điện cung cấp sản lượng 31,6 tỷ kWh/năm, với tổng công suất nguồn phát điện hiện nay là 6.520 MW.
Bình Thuận thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, đặc biệt là các dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Nhà máy điện khí LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW và tổng vốn đầu tư hơn 128 nghìn tỷ đồng, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất của quốc gia với tổng công suất nguồn phát điện đến năm 2030 trên 11 nghìn MW.
Du lịch Bình Thuận đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Khu du lịch Quốc gia Mũi Né là một điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Bình quân những năm gần đây, Bình Thuận đón gần 10 triệu lượt khách, với doanh thu du lịch đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm…
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Kinh tế – xã hội Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá, Bình Thuận là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng, quân và dân Bình Thuận vẫn một lòng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng…
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận nỗ lực của Bình Thuận trong khắc phục khó khăn, tìm chọn được hướng đi phù hợp.
Từ một địa phương “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”, đến nay việc “trị hạn” với sáng kiến nối mạng thủy lợi của tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành quả to lớn, mở lối cho ngành nông nghiệp phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị.
Những năm gần đây, kinh tế – xã hội Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu. Nắng, gió một thời đã là nỗi khó khăn, vất vả của người dân, nay đã được khai thác như nguồn lực tiềm năng để Bình Thuận bứt phá, giàu mạnh.
Để tạo tiền đề bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bình Thuận tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, để hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp theo đúng Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị; phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế; phát triển dựa trên sự cân bằng giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, đất liền và biển đảo, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2025 – 2030 đạt hai con số…
Ngoài ra, Bình Thuận cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ; huy động nguồn lực và có cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Views: 5