Kỷ niệm 83 năm Ngày Truyền thống Hội Người cao tuổi (06/6/1941-06/6/2024)

Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:

KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỘI NGƯỜI CAO TUỔI
(06/6/1941-06/6/2024)
  • Phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
  • Phát huy vai trò của cộng đồng xã hội trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Kinh nghiệm quốc tế và bài học tham chiếu đối với Việt Nam trước bối cảnh già hóa dân số
  • Già hóa dân số trên thế giới hiện nay – Một số gợi mở, hàm ý chính sách cho Việt Nam
  • Bình Thuận: Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
  • Kỉ niệm 83 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam
  • Giới thiệu Sách: Một vài tài liệu về Người cao tuổi có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận

——————————————————————

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TRONG XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, TẠO ĐỘNG LỰC GÓP PHẦN HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, cần nâng cao nhận thức, nhìn nhận đúng vai trò và đóng góp của người cao tuổi – một chủ thể tham gia tích cực vào sự phát triển xã hội, cũng như góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương _Ảnh: TTXVN

Quan tâm, thực hiện tốt chính sách đối với người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại đoàn kết toàn dân tộc là di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nghĩa, tính khoan dung, đoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người dân, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Đảng ta luôn xác định “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và luôn đề cao vai trò, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, và thực sự, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao nhất để dân tộc ta đi đến thắng lợi trong các thời kỳ lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ rất sớm, Người đã nhận thấy vị trí, vai trò, tiềm năng, sức mạnh cùng những giá trị cả về vật chất và tinh thần của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng, trong thời chiến cũng như trong thời bình. Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19-5, tại Khuổi Nậm, Pắc Bó, Cao Bằng. Theo đề nghị của Người, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do. Một trong những lực lượng đầu tiên Người nghĩ tới là các phụ lão, trong vai trò đầu tàu, dẫn dắt con cháu trong sự nghiệp cứu nước, xây dựng đất nước hưng thịnh. Người luôn coi người cao tuổi là lực lượng quan trọng góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” (tháng 6-1941), Người viết: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi; nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây, đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”(1).

Để khai thác tiềm năng, phát huy vai trò của người cao tuổi, Người cho rằng, việc đầu tiên là phải đưa người cao tuổi vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định – lúc đó là “Phụ lão cứu quốc Hội”. Phụ lão cứu quốc Hội đã được tổ chức ở các địa phương trong cả nước góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành thắng lợi kháng chiến chống thực dân xâm lược và hoàn thành nhiệm vụ cứu quốc. Phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, coi đây là một chính sách quan trọng. Quyết định số 772/QĐ-TTg, ngày 26-5-2006, của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 6-6 hằng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”.

Điều 3, Hiến pháp năm 2013 khẳng định mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Khoản 3, Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ cơ sở pháp lý cao nhất này, chính sách đối với người cao tuổi đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo ra khuôn khổ pháp lý đối với người cao tuổi ở Việt Nam, góp phần hoàn thiện chế độ, chính sách đối với công tác chăm sóc và ưu đãi người cao tuổi Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Lễ công bố xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết với đồng bào các dân tộc xã Quy Mông _Nguồn: daidoanket.vn

Hội Người cao tuổi Việt Nam là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, tập hợp và phát triển hội viên; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là ở cơ sở; tích cực hưởng ứng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia, đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phản biện xã hội. Việc triển khai phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” đã động viên hàng vạn người cao tuổi ở cơ sở tham gia công tác đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Trong đó, người cao tuổi luôn chủ động tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trung thực, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở.

Người cao tuổi nước ta là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam. Người cao tuổi của 54 dân tộc anh em trên khắp đất nước Việt Nam không chỉ là những người lao động cần cù, sáng tạo, góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, mà còn là những nhân chứng của lịch sử. Rất nhiều người đã trực tiếp góp phần làm nên lịch sử của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Trung ương Đảng tặng cho người cao tuổi Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Từ “Truyền thống Diên Hồng” đến các phong trào, mô hình tiêu biểu “Người cao tuổi mẫu mực”, “Tuổi cao – Gương sáng”, “Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Người cao tuổi tham gia xây dựng dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Người cao tuổi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, các phong trào, mô hình sôi nổi đó đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của người cao tuổi trong các hoạt động tập hợp lực lượng, góp phần lan tỏa chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh(2).

Từ ngày thành lập đến nay, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo hội người cao tuổi các cấp phát triển ngày càng vững mạnh, tập hợp đông đảo người cao tuổi tham gia; phát huy tốt vai trò là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước ta. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi; tham mưu đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách, pháp luật; thực hiện tốt công tác đối ngoại, nghiên cứu khoa học và tổng kết, biểu dương điển hình tiên tiến. Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả của hội người cao tuổi các cấp đã được nhân rộng, đẩy mạnh, đặc biệt là công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế – xã hội với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực; đặc biệt, Trung ương Hội và các cấp hội đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, chủ động cùng với các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các cấp tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua(3).

Hiện nay, nước ta có gần 17 triệu người cao tuổi, chiếm gần 17% dân số cả nước, trong đó có 2.612.260 người hơn 80 tuổi. Trong bối cảnh dân số nước ta đang già hóa nhanh, tỷ lệ người cao tuổi sẽ còn tiếp tục tăng nhanh về số lượng và tỷ trọng. Theo Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam: Đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng lên 20% và đến năm 2050 là trên 30%. Tỷ lệ người cao tuổi trên 80 tuổi cũng sẽ tăng và đến năm 2050 chiếm trên 6% dân số. Điều này đặt ra thách thức lớn về an sinh xã hội, chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác người cao tuổi ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của người cao tuổi, trách nhiệm trong thực hiện quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người cao tuổi. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, giải pháp thực hiện những nội dung của Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ở một số đơn vị còn hạn chế. Nhận thức của người cao tuổi về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn chưa đồng đều, có lúc, có nơi chưa nhất quán. Có trường hợp người cao tuổi chưa thực sự nêu gương, một số cán bộ Hội Người cao tuổi chưa sâu sát quần chúng nhân dân, chưa phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; vì vậy, chưa xây dựng được niềm tin, uy tín trong nhân dân. Một số chính sách, chế độ đối với người cao tuổi còn dàn trải, cào bằng, chưa theo kịp thực tiễn; đời sống một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn cả về vật chất và tinh thần, thậm chí có trường hợp người cao tuổi còn bị bạo hành, ngược đãi. Chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, nguồn lực người cao tuổi theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức đối với hoạt động của các cấp hội, như mô hình tổ chức còn chưa đồng bộ; chính sách chăm sóc người cao tuổi còn dàn trải, còn nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh rất khó khăn, không có thu nhập; nhận thức về vai trò của người cao tuổi trong một bộ phận gia đình, cộng đồng và một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự đầy đủ; việc ban hành, triển khai một số chính sách đối với người cao tuổi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là chưa đón đầu xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới. Trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước không thể không chú trọng đến người cao tuổi và việc thích ứng với xã hội dân số già. Những điều chỉnh về chính sách, luật pháp, điều kiện vật chất, kỹ thuật, mà trước tiên là nâng cao nhận thức, nhìn nhận đúng vai trò và đóng góp của người cao tuổi – chủ thể tham gia tích cực vào sự phát triển xã hội, bảo vệ và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết và quan trọng.

Thiếu nhi nghe kể chuyện Điện Biên _Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là chủ trương lớn của Đảng ta. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã chỉ rõ định hướng chính sách đối với người cao tuổi: “… xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe, quan tâm hơn đến người cao tuổi về y tế, hưởng thụ văn hóa, nhu cầu được thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội, nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước. Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Phát huy vai trò Hội Người cao tuổi Việt Nam”. Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Phát huy uy tín, kinh nghiệm của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ, chăm sóc, có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để chăm lo và phát huy vai trò của người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội. Xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; có chính sách bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”.

Thời gian tới, để phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực tinh thần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước cần quan tâm một số vấn đề sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với vai trò của Hội Người cao tuổi và người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay. Quán triệt, phổ biến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi; cổ vũ, phát huy truyền thống tốt đẹp, sức mạnh to lớn của các thế hệ người cao tuổi Việt Nam; tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn công lao, đóng góp của người cao tuổi đối với đất nước, nhất là trong triển khai thực hiện các cuộc vận động thiết thực, hiệu quả, như toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, công tác khuyến học, khuyến tài; trao truyền tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và giáo dục đạo đức cho các thế hệ kế tiếp,… và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước.

Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người cao tuổi. Tiếp tục thực hiện tốt tinh thần của Hiến pháp năm 2013, cụ thể trong khoản 3, Điều 37 quy định: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp của người cao tuổi.

Hai là, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Hội Người cao tuổi Việt Nam và người cao tuổi Việt Nam. Có chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tạo cơ hội việc làm và phát triển kỹ năng cho người cao tuổi, bảo đảm an toàn thu nhập bên cạnh các chính sách trợ cấp xã hội và lương hưu, phúc lợi tổng thể cho người cao tuổi. Các chính sách liên quan đến người cao tuổi gắn chặt với xóa nghèo đa chiều. Xóa “khoảng trắng” người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Giảm dần hỗ trợ trực tiếp, chuyển sang hỗ trợ người cao tuổi có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua chính sách bảo hiểm cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng các chính sách y tế, nâng cao chất lượng và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hỗ trợ để người cao tuổi có cuộc sống khỏe mạnh, tích cực. Các chính sách về già hóa dân số có lồng ghép với các vấn đề về giới, tính đến các nhu cầu cụ thể của phụ nữ và nam giới cao tuổi. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống trợ giúp xã hội thông qua hoạt động công tác xã hội, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau (ảnh: Nguyễn Hữu Hùng) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Ba là, các cấp hội chủ động xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình… Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi”(4); trên cơ sở đó, phát huy vai trò của người cao tuổi một cách phù hợp; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội. Các cấp hội bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác của Trung ương Hội, đẩy mạnh thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ địa phương, Nghị quyết Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về công tác người cao tuổi, hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam. Nắm bắt kịp thời tư tưởng, đời sống, nguyện vọng của người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các vụ, việc ngược đãi, bạo hành người cao tuổi.

Bốn là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 58-KL/TW, ngày 23-6-2023, của Ban Bí thư “Về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam”. Các cấp hội nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ và phát triển hội viên. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ hội; nghiên cứu, đề xuất chính sách, chế độ đối với cán bộ hội ở các cấp. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội cơ sở; đổi mới nội dung sinh hoạt đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của hội viên và người cao tuổi; thu hút ngày càng đông người cao tuổi tham gia tổ chức hội và các phong trào do hội tổ chức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm là, phát huy mạnh mẽ vai trò của người cao tuổi trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Người cao tuổi Việt Nam với các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các địa phương, góp phần phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Sáu là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”, phấn đấu để người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, góp phần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong bối cảnh già hóa dân số nhanh ở Việt Nam hiện nay cần quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, Trung ương sớm tổng kết Chỉ thị số 59/CT-TW, ngày 27-9-1995, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, “Về chăm sóc người cao tuổi”, và ban hành chỉ thị mới về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong tình hình mới.

Thứ hai, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; Chính phủ sớm ban hành Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam; các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi và tổ chức hội người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

—————————-

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 233
(2) Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, hiện nay cả nước có trên 12,5 triệu người cao tuổi, hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; người cao tuổi đóng góp hơn 11 triệu ngày công, gần 3.500 tỷ đồng, hiến 25 triệu m2 đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, cơ sở y tế,… góp phần xây dựng nông thôn mới; 64% hội viên khuyến học là người cao tuổi; 660.000 người cao tuổi tham gia công tác đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, tổ hòa giải ở cơ sở; trên 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân, phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở, cung cấp cho lực lượng công an 200.000 nguồn tin có giá trị, giúp đỡ 90.000 người tái hòa nhập cộng đồng. Người cao tuổi phối hợp giải quyết hiệu quả hàng chục nghìn vụ mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân. Cả nước có trên 77.000 câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên 2,5 triệu người cao tuổi tham gia. Đặc biệt, Hội Người cao tuổi đã thành lập 5.500 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 275.000 người cao tuổi tham gia. Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong nước, ngoài nước đánh giá cao và đã đoạt giải Nhất “Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh”
(3) Hội Người cao tuổi các cấp đã vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ hàng vạn suất quà, xây mới hàng nghìn ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, chăm sóc người có công với nước. Hằng năm, thông qua Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam, Hội đã vận động được các nguồn lực xã hội chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng khó khăn, góp phần giảm chênh lệch giàu – nghèo, bất bình đẳng xã hội, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, từ nhiều năm nay, người cao tuổi được chăm sóc ngày càng tốt hơn; hằng năm, có hơn 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; trên 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; trên 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (nhiều địa phương đã hỗ trợ 100% người cao tuổi)
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 170

Đỗ Văn Chiến // https://www.tapchicongsan.org.vn/

——————————————————————

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC THAM CHIẾU ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRƯỚC BỐI CẢNH GIÀ HÓA DÂN SỐ

Hiện nay, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, kéo theo nhiều vấn đề xã hội, cần sự chung tay, hỗ trợ, góp sức của toàn xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng ở các quốc gia trên thế giới sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ở nước ta thời gian tới.

Người cao tuổi tham gia chương trình đồng diễn thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi, lan tỏa tinh thần “sống khỏe, sống thanh xuân” chào mừng ngày Quốc tế người cao tuổi (1-10) và hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam_Ảnh: TTXVN

Vai trò của cộng đồng xã hội trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay

Quá trình già hóa dân số xuất hiện là điều tất yếu và đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng tại nhiều quốc gia. Do đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) cần được chú trọng hơn bao giờ hết nhằm bảo đảm NCT có thể thực hiện các hoạt động đáp ứng nhu cầu cơ bản hằng ngày trong khoảng thời gian nhất định, ví dụ phương thức chăm sóc sức khỏe dài hạn sẽ hỗ trợ NCT tiếp tục duy trì các hoạt động sinh hoạt thường ngày, bao gồm các hệ thống dịch vụ y tế và chăm sóc xã hội (như chăm sóc tại nhà, an ủi tâm lý, hỗ trợ pháp lý, chăm sóc nghỉ ngơi, bao gồm chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc điều dưỡng,…)(1).

Thực tế, phương thức phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là giải pháp mang tính hệ thống, toàn diện, lâu dài, hướng tới sự ưu tiên về sức khỏe thể chất, khả năng chống chịu bệnh tật, tinh thần và cảm xúc cho NCT thông qua dịch vụ chăm sóc phục hồi chức năng tại nhà, góp phần duy trì hạnh phúc của NCT, đồng thời giảm thiểu nguy cơ nhập viện lại sau điều trị(2). Đây là phương pháp có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhằm tạo ra sự hỗ trợ, hợp tác và phối hợp trong chăm sóc dựa trên sự kết hợp các dịch vụ y tế, xã hội và dựa vào cộng đồng, từ đó, hình thành hình thức chăm sóc mang tính “cá nhân hóa” hơn, nâng cao sức khỏe tổng thể và giải quyết các nhu cầu đa dạng của NCT(3). Đối với phương thức chăm sóc tại nhà, tuy sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng mà người chăm sóc phải gánh chịu bởi khối lượng công việc tốn nhiều thời gian và căng thẳng(4), đồng thời khiến người được chăm sóc cảm thấy thoải mái, tự trọng(5), nhưng lại cần nguồn chi phí và áp lực lớn hơn. Như vậy, so với các phương thức khác, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng vừa đa dạng, hiệu quả, giúp NCT cảm thấy gần gũi, gắn bó, vừa giảm bớt về chi phí cũng như áp lực công việc, gánh nặng cho gia đình, cơ sở y tế, đặc biệt là trong trường hợp quá tải bệnh nhân cao tuổi.

Ở Việt Nam, đối tượng người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đặc biệt; được tạo điều kiện để phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công cuộc phát triển đất nước, được bảo đảm lợi ích phù hợp thông qua nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động. Cụ thể, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” xác định phải chú trọng xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe, quan tâm hơn đến người cao tuổi về y tế, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội, nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” xác định nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia; Quyết định số 2156/QĐ-TTg, ngày 21-12-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030”; mới nhất, Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 7-8-2023, về “Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023” yêu cầu đẩy nhanh nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội đối với người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, bảo đảm tương quan chính sách với các đối tượng khác,… Những chính sách, kế hoạch trên đều nhằm mục tiêu “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình”(6).

Kinh nghiệm phát huy vai trò của cộng đồng xã hội trong chăm sóc người cao tuổi tại một số quốc gia trên thế giới

Ở khu vực châu Á

Tại Trung Quốc: Dịch vụ chăm sóc NCT tại cộng đồng trở thành hoạt động thường xuyên, mang ý nghĩa lớn trong chiến lược phát triển toàn diện lĩnh vực chăm sóc NCT ở đất nước này. Đây là loại hình chăm sóc tổng hợp được người dân ủng hộ, có sự kết nối linh hoạt giữa các cơ sở dịch vụ y tế, từ đó tích hợp phương pháp phục hồi chức năng và dịch vụ điều dưỡng tại cộng đồng thành một nền tảng quản lý chung, đáp ứng nhu cầu bảo đảm sức khỏe trong quá trình già hóa của người NCT. Bên cạnh đó, Trung Quốc chủ động tích hợp các nguồn lực y tế và các nguồn lực tài trợ; cung cấp hệ thống dịch vụ liên tục và thống nhất một cách thuận tiện, chuyên nghiệp, như nhập viện, chăm sóc phục hồi chức năng và chăm sóc cuộc sống ổn định cho NCT,…(7). Đối với NCT mắc bệnh mãn tính, dịch vụ bác sĩ gia đình và chăm sóc y tế phù hợp, như chăm sóc tại nhà và chăm sóc ban ngày có thể được cung cấp thông qua các hoạt động chăm sóc tại cộng đồng.

Tại Nhật Bản: Đây là quốc gia có tỷ lệ dân số ở mức siêu già, nhóm dân số cao tuổi đạt khoảng 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số (năm 2022); dự báo đến năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ tăng lên khoảng 37,3 triệu người, nhưng chiếm tới 31% tổng dân số (do mức sinh giảm, quy mô dân số cũng giảm theo) và sẽ tiếp tục tăng (chiếm khoảng 40% tổng dân số vào năm 2060)(8),… do đó, hệ thống dịch vụ tích hợp dựa vào cộng đồng là giải pháp chăm sóc sức khỏe NCT hiệu quả. Mặt khác, ở Nhật Bản, sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi, góp phần bảo đảm môi trường an toàn cho họ giữ gìn cuộc sống ý nghĩa. Tại các khu dân cư thưa thớt, nhiều chương trình thực hiện tái tạo khu vực lân cận (kết nối cộng đồng) được thực hiện, nhằm bảo đảm điều kiện và khả năng đáp ứng quá trình áp dụng hệ thống dịch vụ chăm sóc tích hợp.

Bên cạnh đó, Nhật Bản tập trung nghiên cứu sự đa dạng của yếu tố môi trường sống tác động đến quá trình lão hóa, từ đó dựa trên nỗ lực của nhiều bên liên quan để xây dựng chính sách, biện pháp thay đổi thói quen sinh hoạt của NCT theo hướng phù hợp với cộng đồng địa phương(9). Mặt khác, NCT được khuyến khích thường xuyên giao lưu bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, như văn nghệ, thể thao và các chương trình tình nguyện,…; đây là cơ hội để họ vận động, giúp tinh thần trở nên trẻ trung, sảng khoái, từ đó hạn chế cảm giác cô đơn và suy nghĩ tiêu cực thường nhật. Đến nay, phần lớn NCT ở Nhật Bản (nơi 75 tuổi trở lên mới được gọi là “già”) vẫn hăng say lao động dù đã quá độ tuổi nghỉ hưu; những công việc nhẹ nhàng, như nhân viên bán hàng, làm nông nghiệp tại nhà,… giúp họ giữ gìn tinh thần khỏe mạnh, tích cực và luôn cảm thấy bản thân hoạt bát, dẻo dai, có ích cho xã hội.

Tại Xin-ga-po: Hệ thống dịch vụ y tế cộng đồng dành cho người cao tuổi chủ yếu được cung cấp bởi Quỹ Chăm sóc tại nhà (bao gồm dịch vụ chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng và chăm sóc ban ngày) được thực hiện ở trung tâm chăm sóc sức khỏe dành cho NCT. Bên cạnh đó, chính quyền luôn chú trọng việc phối hợp với khoa lão khoa tại các bệnh viện để có sự hỗ trợ về chuyên môn, gia tăng khả năng phản ứng kịp thời khi xuất hiện trường hợp khẩn cấp trong quá trình chăm sóc NCT. Xin-ga-po duy trì hoạt động của các nhóm hỗ trợ (bao gồm câu lạc bộ phòng, chống đột quỵ và chăm sóc tình nguyện), đến nay nhiều dịch vụ chăm sóc thay thế được cung cấp chủ yếu từ một số nhà tình nguyện… Nhìn chung, các phương pháp chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng đều hướng đến mục tiêu cung cấp đầy đủ các dịch vụ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội(10).

Tại Thái Lan: Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ dân số già đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Xin-ga-po) với tốc độ già hóa dân số nhanh (dưới 1%/năm), tốc độ gia tăng nhóm dân số cao tuổi là khoảng 3%/năm; mặt khác, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên được dự đoán tăng gấp đôi, từ 15,7% (năm 2015) lên tới 35,8% (năm 2050); tỷ lệ người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên có nhu cầu chăm sóc dài hạn sẽ tăng gấp năm lần, từ 2,2% (năm 2015) lên 10,7% (năm 2050)(11).

Năm 2005, chương trình chăm sóc y tế tại nhà được Nhà nước Thái Lan ban hành, đến năm 2011 có tới 95,6% chính quyền địa phương thực hiện cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà nhằm hỗ trợ đối tượng người cao tuổi xử lý các vấn đề sức khỏe mãn tính hoặc bị tàn tật (những người tuy đã kết thúc quá trình điều trị tại bệnh viện, nhưng cần được chăm sóc tại nhà). Chương trình cung cấp các dịch vụ thăm khám, chăm sóc sức khỏe tại nhà được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, y tá, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý, cán bộ phát triển xã hội và cán bộ y tế cộng đồng,… Bên cạnh đó, nhiều dự án, câu lạc bộ NCT được tổ chức, hướng tới thúc đẩy sự giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cao tuổi; cá nhân độc lập, có khả năng tự chăm sóc có thể giúp đỡ NCT không có khả năng tự chăm sóc, phải phụ thuộc vào người khác. Chính quyền cũng tập trung hỗ trợ việc tiếp cận kiến thức và kỹ năng chăm sóc cho các đối tượng NCT, đồng thời đưa ra các tư vấn liên quan đến quá trình chăm sóc(12).

Ở khu vực châu Âu

Châu Âu đối mặt với tình trạng lão hóa dân số từ nhiều thập niên trước, đến nay, dân số châu Âu đang già đi nhanh chóng do tỷ lệ sinh thấp trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng; khoảng 50% dân số Liên minh châu Âu (EU) có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên cho biết họ bị hạn chế các hoạt động hằng ngày do có các vấn đề về chức năng thể chất hoặc giác quan(13); do đó, nhiệm vụ cải thiện hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc trở nên cấp thiết để hỗ trợ xử lý các căn bệnh tuổi già, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và duy trì sức khỏe NCT. Mặt khác, các mô hình, phương pháp chăm sóc ngày càng được đổi mới theo hướng xác định rõ nhu cầu và bảo đảm sự độc lập, trao quyền cũng như khả năng hòa nhập của NCT(14); đây là một trong những điểm nhấn về chính sách thích ứng với quá trình lão hóa dân số ở khu vực này.

Hiệp hội Chữ thập đỏ châu Âu là tổ chức tích cực đưa ra phương pháp thúc đẩy xây dựng cộng đồng thân thiện với NCT nhằm tăng cường tính năng động và khỏe mạnh trong quá trình lão hóa; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và thúc đẩy sự tham gia của mọi người để tạo ra môi trường thân thiện với NCT, đồng thời giải quyết các vấn đề về sự cô đơn trong xã hội; chủ động thiết kế, thực hiện phối hợp nhằm cải thiện dịch vụ và cung cấp giải pháp để giúp NCT được sống trong môi trường thân thuộc. Bên cạnh đó, các hội chữ thập đỏ ở các quốc gia thực hiện quá trình xúc tiến, phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ để xây dựng, cung cấp hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp với NCT; tập trung hỗ trợ tâm lý và sự hòa nhập xã hội thông qua tổ chức các hoạt động giải trí, đánh giá cao kinh nghiệm và kỹ năng, đồng thời khuyến khích NCT có nhiều hoạt động gắn bó hơn với gia đình và bạn bè,…

Ở Đức, tỷ lệ người cao tuổi cần được chăm sóc dự kiến sẽ tăng từ 2,4 triệu người (năm 2015) lên 3,2 triệu người (năm 2030). Hiện nay, phần lớn người cần được chăm sóc thích ở trong môi trường quen thuộc của họ càng lâu càng tốt để duy trì mức độ tự chủ cao và các mối quan hệ xã hội của họ(15); hàng xóm, bạn bè và tình nguyện viên có thể giúp những người cần hỗ trợ và chăm sóc điều dưỡng tại cộng đồng và NCT có thể giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời phương pháp chăm sóc tại nhà và cộng đồng được khuyến khích vì ít tốn kém hơn cho nhà nước cũng như hệ thống an sinh xã hội(16). Chính quyền địa phương có trách nhiệm lớn trong việc định hình cơ cấu chăm sóc và hỗ trợ, tạo điều kiện và định hình sự tương tác giữa các nguồn lực gia đình, khu phố và cộng đồng xã hội với các dịch vụ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ già hóa gia tăng, tình trạng di cư trong nước và cơ cấu gia đình thay đổi tạo ra những thách thức mới cho nhiều cộng đồng ở Đức trong việc định hình điều kiện sống của NCT.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam trong phát huy vai trò của cộng đồng xã hội đối với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh so với thế giới, dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người từ độ tuổi 60 trở lên tăng hơn 25%; đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già với sự chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” (giai đoạn quá độ từ già hóa dân số đến dân số già chỉ diễn ra trong vòng 20 năm, trong khi ở các quốc gia phát triển thì kéo dài hàng trăm năm)(17). Hiện nay, nước ta có trên 12,5 triệu NCT, trong đó hơn 6,5 triệu người đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất (khoảng 400 nghìn NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi); là lực lượng có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước, như tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở, cung cấp sức lao động, tham gia hiến đất, ủng hộ của cải, vật chất trong các hoạt động xây dựng đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, khuyến học,…

Có thể khẳng định, biện pháp phát huy vai trò của cộng đồng nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số và bảo đảm lợi ích, an sinh xã hội cho đối tượng NCT là hướng đi phù hợp với văn hóa cộng đồng, truyền thống tôn trọng người già và điều kiện vật chất hiện nay của nước ta; đồng thời, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và hệ thống cơ sở y tế các cấp. Từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, để thu hút, tận dụng, phát huy vai trò, năng lực của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc sức khỏe NCT, thời gian tới, cần nghiên cứu, ban hành, triển khai thực hiện một số chính sách trọng tâm sau:

Thứ nhất, chú trọng, quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm quyền được thụ hưởng sự chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao tuổi thọ đối với đối tượng là NCT(18). Đặc biệt, trước mắt cần đẩy mạnh thực hiện đạt và vượt mục tiêu đến năm 2030 “bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”(19) được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Khám bệnh, sàng lọc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn_Ảnh: TTXVN

Thứ hai, tập trung đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người cao tuổi tại xã, phường, thị trấn (bao gồm dịch vụ chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng và chăm sóc ban ngày) dưới sự hỗ trợ, thực hiện của đội ngũ nhân viên y tế đã qua đào tạo, có kết nối với cơ sở y tế gần nhất, bảo đảm xử lý kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của tổ chức, nhóm hỗ trợ và nhóm chăm sóc tình nguyện gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc NCT; phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội Người cao tuổi, Hội chữ Thập đỏ Việt Nam,… trong các phong trào tôn vinh, chăm sóc NCT, như “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”, “Tuổi cao gương sáng”,…

Thứ ba, phát triển các dịch vụ chăm sóc NCT gắn với sự tích hợp các nguồn lực y tế, nguồn tài trợ, đồng thời cung cấp các dịch vụ liên tục, đồng bộ, thuận tiện, chuyên nghiệp như nhập viện, chăm sóc phục hồi chức năng và chăm sóc cuộc sống ổn định cho người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, cần thu hút, khuyến khích sự tham gia tích cực của các bên liên quan từ chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp nhằm phối hợp hiệu quả trong quá trình chăm sóc và hỗ trợ NCT, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi, lành mạnh, thân thiện, an toàn và cuộc sống có ý nghĩa đối với NCT.

Thứ tư, chú trọng xây dựng nguồn lực phù hợp để phát triển vốn xã hội về thể chế và con người (gia đình, cộng đồng, tôn giáo) cũng như không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, đóng góp của NCT và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với NCT trong cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng, áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt trong quản lý hệ thống chăm sóc NCT thông qua việc lập kế hoạch và ngân sách rõ ràng, minh bạch; quản lý nguồn nhân lực cả về khía cạnh y tế và xã hội, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ chăm sóc chính thức và không chính thức tại cộng đồng nhằm bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn; phát triển mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT dài hạn dựa vào cộng đồng, tập trung vào chất lượng, kết nối và tích hợp mọi lĩnh vực nhằm đạt mức hiệu quả tối ưu.

Thứ năm, xác định các tiêu chuẩn chất lượng đối với hệ thống dịch vụ chăm sóc, ban hành chính sách, quy định công nhận, khuyến khích, hỗ trợ lực lượng lao động và người chăm sóc không chính thức; đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích NCT thực hiện các hoạt động trao đổi thông tin, kết nối nhiều hơn với gia đình và bạn bè thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Mặt khác, chính quyền ở cơ sở cần có trách nhiệm định hình hình thức chăm sóc và hỗ trợ NCT phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng “cộng đồng dựa trên sự đoàn kết” và phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn, góp phần giúp NCT được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, từ đó tiếp tục cống hiến cho đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

———————-

(1) Xem: E. Glinskaya: “Government stewardship of elderly care” (Tạm dịch: Sự điều hành của Chính phủ trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi), World Bank Group, ngày 30-1-2019, https://thedocs.worldbankorg/
en/doc/650961574287997386-0160022019/
original/SPJCC19PCCD3S3GovernmentStewardship
ofElderlyCare.pdf

(2) Xem: “Taking care of older people in our communities” (Tạm dịch: Chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng của chúng ta), Western Cape Government, ngày 21-9-2022, https://www.westerncape.gov.za/general-publication/taking-care-older-people-our-communities
(3) Xem: P. Saucedo: “How integrated community care enhances the well-being of seniors” (Tạm dịch: Giải pháp chăm sóc cộng đồng gắn với nâng cao sức khỏe người cao tuổi), Integrated care communities, ngày 26-5-2023, https://icarecommunities.com/how-integrated-community-care-enhances-the-well-being-of-seniors-2/
(4) Xem: A. Hajek, C. Brettschneider and et al,…: “Longitudinal predictors of informal and formal caregiving time in community – dwelling dementia patients” (Tạm dịch: Các yếu tố dự đoán theo chiều dọc về thời gian chăm sóc chính thức và không chính thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ tại cộng đồng), Social Psychiatry and Psychiatic Epidemiology, Springer Nature, Germany, 2016, tr. 607 – 616
(5) Xem:  E. W. Haley: “Family caregivers of elderly patients with cancer: understanding and minimizing the burden of care” (Tạm dịch: Thấu hiểu và hạn chế gánh nặng chăm sóc bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh ung thư của gia đình), The journal of supportive oncology, United States, 2003, volume 1, supplement 2, tr. 25 – 29
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 170
(7) Lan Xu và Yu Zhang: “Grading nursing care study in integrated medical and nursing care institution based on two-stage gray synthetic clustering model under social network context” (Tạm dịch: Phân loại nghiên cứu chăm sóc điều dưỡng tại các cơ sở chăm sóc điều dưỡng và y tế tích hợp dựa trên mô hình phân cụm tổng hợp hai giai đoạn trong bối cảnh mạng xã hội), International Journal of Environmental Research and Public Health, Switzerland, 2022, https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36078579/
(8) Xem: TH: “Việt Nam và Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 29-8-2023, https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-va-nhat-ban-trao-doi-kinh-nghiem-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-645280.html
(9) Xem: Leng Leng Thang, Yoshimichi Yui, Yoshiki Wakabayashi và Hitoshi Miyazawa: “Promoting age-friendly community of support and care in Japan’s aging neighborhood: The Nagayama model” (Tạm dịch: Xây dựng cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc thân thiện với người già ở Nhật Bản: Mô hình Nagayama), Aging and Health Research, Japan, volume 3, issue 1, tháng 3 – 2023, tr. 1 – 6
(10) K.S. Lee, R.E. Owen, P.W. Choo, F.J. Jayaratnam: “The role of community health care team in the care of the elderly” (Tạm dịch: Vai trò của đội ngũ chăm sóc sức khỏe cộng đồng đối với hoạt động chăm sóc người cao tuổi), Singapore Medical Journal, tháng 8 – 1991
(11) Xem: Nguyễn Thị Hoài Thu: “Chính sách phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi tại Thái Lan”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 8-7-2022, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/4326-chinh-sach-phat-trien-he-thong-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-tai-thai-lan.html
(12) V. Prachuabmoh: “A lesson learned from community-based integrated long-term care in Thailand” (Tạm dịch: Kinh nghiệm từ chăm sóc dài hạn tích hợp dựa trên cộng đồng ở Thái Lan), Asia Pacific Journal of Social Work Development, United Kingdom, 2015, tr. 213 – 224
(13) Xem: “Caring for older people in age-friendly communities” (Tạm dịch: Chăm sóc người cao tuổi trong các cộng đồng thân thiện với người già), The Red Cross EU Office, ngày 7-9-2022, https://redcross.eu/latest-
news/caring-for-older-people-in-age-friendly-communities#_ftn1

(14) Xem: “Caring for older people in age-friendly communities” (Tạm dịch: Chăm sóc người cao tuổi trong các cộng đồng thân thiện với người già), Tlđd
(15) Xem: M. Heuchert, H. Knig và T. Lehnert: “The role of preferences in the German long-term care insurance – results from expert interviews” (Tạm dịch: Tầm quan trọng của các chính sách ưu đãi trong bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi ở Đức – kết quả từ quá trình phỏng vấn các chuyên gia), Gesundheitswesen, Germany, số 79 (tháng 12 – 2017), tr. 1052 – 1057
(16) Xem: A. Hajek, T. Lehnert, A. Wegener, et al: “Factors associated with preferences for long-term care settings in old age: evidence from a population-based survey in Germany” (Tạm dịch: Những yếu tố ảnh hưởng đến mong muốn lựa chọn cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn tuổi già: Góc nhìn từ kết quả khảo sát người dân ở Đức), BMC Health Service Research, Springer Nature, 2017 (17:156), tr. 1 – 9
(17) Xem: Nguyễn Thanh Bình: “Người cao tuổi – Lực lượng quan trọng góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tạp chí Cộng sản, số 1.010 (tháng 3-2023), tr. 28, 30
(18) Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 27-9-1995, của Ban Bí thư, “Về chăm sóc người cao tuổi” xác định chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; Luật Người cao tuổi năm 2009; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” xác định, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác dân số trong tình hình mới”; Quyết định số 1125/QĐ-TTg, ngày 31-7-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016 – 2020”; Quyết định số 544/QĐ-TTg, ngày 25-4-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”
(19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 271

Đặng Thị Ánh Tuyết // https://tapchicongsan.org.vn/

——————————————————————

GIÀ HÓA DÂN SỐ TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY – MỘT SỐ GỢI MỞ, HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu, đã và đang trở thành thách thức nan giải, có tác động mạnh mẽ đến tình hình ổn định, phát triển kinh tế – xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, việc nhận diện, nghiên cứu nguyên nhân, tác động, đồng thời tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ những nước đi trước nhằm xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp, toàn diện để đối phó với nguy cơ già hóa dân số là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là đối với những đất nước đang phát triển hiện nay, trong đó có Việt Nam.

Một số vấn đề về thực trạng già hóa dân số trên thế giới

Già hóa dân số là một trong những xu hướng nổi bật, đáng quan tâm của thế kỷ XXI, thể hiện ở việc gia tăng tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trong tổng dân số một quốc gia hoặc khu vực; có tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống nhân loại. Đây cũng là kết quả tất yếu của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học (hướng tới cuộc sống lâu dài và nhiều gia đình hơn) đang diễn ra phổ biến, biểu hiện ở việc tầng lớp NCT gia tăng mạnh do tỷ suất sinh giảm và tuổi thọ trung bình tăng lên. Ngược về quá khứ, năm 1950, thế giới có khoảng 200 triệu người trên 60 tuổi, đến năm 2020, có đến 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên và theo dự báo, con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 (khoảng 1,5 tỷ người)(1); ở các vùng ít phát triển hơn, độ tuổi trung vị sẽ tăng từ 26 tuổi (năm 2010) lên 35 tuổi (năm 2050)(2).

Về phân loại hiện tượng già hóa dân số: Một số nhà nghiên cứu phân chia mức độ già hóa tương ứng với các nội dung cụ thể: Dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% – 9,9% tổng dân số được coi là “già hóa”; từ 10% – 19,9% gọi là dân số “già”; từ 20% – 29,9% là dân số “rất già” và trên 30% là dân số “siêu già”(3). Mỗi quốc gia đều có mức độ và tốc độ già hóa dân số khác nhau, những nơi quá trình này diễn ra muộn sẽ có ít thời gian để đối phó với các tác động hơn; trong ba thập kỷ tới, tỷ lệ NCT tăng nhanh chóng, tuy nhiên, chỉ có một số ít quốc gia đủ khả năng xác định nhóm dân cư cao tuổi nào sẽ có thể sinh sống trong điều kiện sức khỏe ổn định hay là đau ốm, bệnh tật (thông thường, kéo dài tuổi thọ phần nào đồng nghĩa với kéo dài tình trạng sức khỏe kém trong giai đoạn suy kiệt của cơ thể)(4).

Cùng với đó, sự gia tăng tỷ lệ người già trong dân số sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên các hoạt động, kế hoạch chi tiêu công, bởi chính quyền các quốc gia phải chi trả lượng lương hưu lớn và trong thời gian dài hơn(5). Theo đó, với đặc điểm về thể chất, sức khỏe của NCT, nhu cầu chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cũng tăng lên(6). Như vậy, già hóa dân số yêu cầu chính quyền các quốc gia phải có kế hoạch, giải pháp tháo gỡ toàn diện, bảo đảm ổn định, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe cộng đồng cũng như phát triển bền vững kinh tế – xã hội(7).

Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng giá hóa dân số là: 1- Đây là kết quả tất yếu của xu hướng giảm sinh, đặc biệt khi điều kiện sống ngày càng được cải thiện, khiến tỷ lệ NCT cao hơn hẳn so với tầng lớp trẻ em (một phần là thành tựu trên chặng đường phát triển nhân loại, từ chương trình sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, tâm lý xã hội, trình độ công nghệ, kinh tế, chính sách dân số, hôn nhân đồng tính, quyền phá thai,…); 2- Tuổi thọ trung bình tăng trên toàn cầu, dẫn đến sự già đi nhanh chóng của dân số toàn thế giới.

Thực tế, hiện tượng già hóa dân số diễn ra sớm nhất ở các nước trình độ phát triển cao, nhưng có tốc độ gia tăng nhanh hơn ở các vùng ít phát triển hơn(8) (trong tương lai, quá trình già hóa có xu hướng giảm đáng kể ở châu Âu và diễn ra mạnh mẽ ở các nước châu Á). Hiện nay, châu Âu và Bắc Mỹ là hai khu vực có tỷ lệ NCT cao nhất; trong khi đó, Bắc Phi, Tây Á và các nước châu Phi ở vùng cận Sahara dự kiến có tốc độ gia tăng nhanh nhất về số lượng NCT trong ba thập kỷ tới(9). Về tổng thể, theo dự báo, tuổi thọ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ đạt 77,2 vào năm 2050 nhờ những tiến bộ của y học, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt và dinh dưỡng được cải thiện, cụ thể: châu Á sẽ đạt 78 tuổi; khu vực Bắc Mỹ, châu Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Đại Dương sẽ đạt khoảng từ 81 đến 84 tuổi; mặc dù châu Phi vẫn có tuổi thọ trung bình thấp hơn mức trung bình của thế giới nhưng sẽ tăng mạnh lên 66 tuổi (năm 2030) và gần 70 tuổi (năm 2050)(10).

Châu Âu là khu vực phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số từ nhiều thập niên trước, đến nay, dân số châu Âu đang già đi nhanh chóng do tỷ lệ sinh thấp, trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng. Theo dự kiến đến năm 2050, khoảng 30% dân số châu Âu sẽ là NCT(11), đặt ra nhiều vấn đề trong hoạch định chính sách, chương trình hỗ trợ bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Ở châu Á, tỷ lệ người già đang gia tăng nhanh chóng, trong khi tỷ lệ sinh giảm ở nhiều nước, do đó, nhiều quốc gia đang phải “căng mình” để xử lý những hệ lụy do tác động của quá trình giá hóa dân số. Ví dụ, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ dân số ở mức siêu già, nhóm dân số cao tuổi đạt khoảng 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số (năm 2022); dự báo đến năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ tăng lên khoảng 37,3 triệu người, chiếm tới 31% tổng dân số và sẽ là 40% vào năm 2060(12),… Đáng chú ý, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đang làm việc đã lên tới 8,62 triệu người, trong đó có 3,5 triệu phụ nữ, nhưng Nhật Bản sẽ vẫn thiếu khoảng 6,44 triệu lao động vào năm 2030(13). Trong khi đó, năm 2020, dân số của Trung Quốc đạt mốc 1,411 tỷ người (tăng 72 triệu người so với năm 2010); dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 – 59 tuổi) giảm xuống còn 894 triệu người, trong đó, người từ 60 tuổi trở lên tăng đến 264 triệu người (chiếm 18,7% dân số), từ 65 tuổi trở lên đạt 190 triệu người (chiếm 13,5% dân số), từ 80 tuổi trở lên đạt 35,8 triệu người (chiếm 2,54% tổng dân số)(14),… Như vậy, lần đầu tiên sau hơn 60 năm, Trung Quốc đối diện với sự sụt giảm dân số, khởi đầu giai đoạn khủng hoảng dân số.

Người cao tuổi ở Nhật Bản_Nguồn: japannews.yomiuri.co.jp

Những tác động, ảnh hưởng của quá trình già hóa dân số

Thứ nhất, cơ cấu dân số thay đổi khiến quá trình phân phối quyền lực và lựa chọn ứng viên, đại biểu đại diện cho nhân dân ở các khu vực hành chính trong hệ thống chính trị bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyết sách các quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, khi tỷ lệ NCT gia tăng, tỷ suất sinh giảm sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng ở nhiều nơi, tạo sức ép, thách thức về điều chỉnh thị trường lao động, việc làm; giải quyết xung đột, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong thời kỳ dân số già; kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất sản xuất và đổi mới, suy giảm năng lực cạnh tranh. Ví dụ: tại Pháp, theo dự báo, đến năm 2030, trung bình mỗi năm, nước này chỉ có khoảng 640.000 thanh niên gia nhập thị trường lao động, trong khi có đến 760 nghìn vị trí tuyển dụng(15); tại Nhật Bản, tỷ lệ lao động lớn tuổi hiện ở mức cao trong các ngành, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, như ngành xây dựng và điều dưỡng (15%), ngành vận tải (hơn 10%), tài xế ta xi, xe bus (chiếm tới 30%)(16).

Thứ hai, già hóa dân số là yếu tố kích thích nhu cầu bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội đối với NCT, từ đó, tạo sức ép lớn đối với hệ thống y tế và ngân sách mỗi quốc gia ở mọi cấp hành chính. Ở các nước phát triển, theo ước tính năm 2010, cứ 4 người trong độ tuổi lao động (15 tuổi – 64 tuổi) sẽ hỗ trợ 1 NCT (từ 65 tuổi trở lên); tuy nhiên, tỷ lệ này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 3 người trong độ tuổi lao động/1 NCT vào năm 2025(17). Ví dụ, Nhật Bản là nước có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm 25,1%, khoản chi tiêu an sinh xã hội trong tổng thu nhập quốc dân của nước này đã tăng từ 13,7% (năm 1985) lên 22,8% GDP (năm 2012), khoảng 109,5 nghìn tỷ Yên (trong đó, lương hưu chiếm khoảng 11,2%; chi phí dịch vụ y tế chiếm 7,3%; các chế độ phúc lợi xã hội chiếm 4,3%).

Thứ ba, tuổi cao khiến sức khỏe thể chất, tinh thần của NCT suy giảm, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, di chuyển và có thể bị rơi vào tình cảnh cô đơn, sống tách biệt về mặt xã hội; khó tiếp cận các dịch vụ an sinh; đồng thời, dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, nhất là lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Theo những thống kê gần đây, người dân Mỹ đã mất hơn 1 tỷ USD vì lừa đảo qua mạng; phần lớn nạn nhân là phụ nữ trên 40 tuổi góa chồng hoặc đã ly dị và là người già yếu; ở Đông Nam Á, gần một nửa người dùng từng là nạn nhân của các cuộc lừa đảo qua mạng, trong đó, tỷ lệ nạn nhân tập trung chủ yếu vào các nhóm người lớn tuổi nhất (chiếm 33%)(18).

Thứ tư, già hóa dân số gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động khiến nhiều nước phải điều chỉnh chính sách nhập cư, thuê lao động nước ngoài dẫn tới việc hình thành các nhóm lao động có sự khác biệt về văn hóa; nguy cơ xảy ra tình trạng văn hóa ngoại lai xâm nhập, áp đảo văn hóa nội sinh. Mặt khác, tổng số NCT tăng, tỷ suất sinh giảm gây khó khăn trong việc truyền tiếp, kế thừa, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tiềm ẩn vấn đề đứt gãy về mặt văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bản sắc và sự phát triển bền vững của mỗi cộng đồng, quốc gia – dân tộc. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng – an ninh tại các quốc gia cũng bị ảnh hưởng; quá trình tuyển quân và tuyển dụng nhân lực vào quân đội, lực lượng vũ trang sẽ bị giảm sút, hao hụt, khó khăn. Ví dụ: Giai đoạn 2002 – 2022, quy mô quân đội Hàn Quốc đã giảm 27,6%, khiến quốc gia này phải áp dụng phương án kéo dài thời gian tại ngũ của quân nhân (nam giới Hàn Quốc phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ 18 – 21 tháng và trở thành lính dự bị trong vòng 8 năm sau đó), đồng thời Chính phủ cũng tính toán phương án tuyển nữ giới vào quân đội cùng với đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh(19).

Một số gợi mở, hàm ý chính sách cho Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh so với thế giới, điều này đã và đang có ảnh hưởng, tác động toàn diện đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Theo dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người từ độ tuổi 60 trở lên tăng hơn 25%; đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” (giai đoạn quá độ từ già hóa dân số đến dân số già chỉ diễn ra trong vòng 20 năm, trong khi ở các quốc gia phát triển thì kéo dài hàng trăm năm). Như vậy, để chuẩn bị và xử lý những vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số, cần chú trọng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, giải pháp dựa trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm quyền được thụ hưởng sự chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao tuổi thọ đối với đối tượng là NCT(20). Ở Việt Nam, đối tượng người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đặc biệt; được tạo điều kiện để phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công cuộc phát triển đất nước. Theo đó, trước mắt cần đẩy mạnh thực hiện đạt và vượt mục tiêu đến năm 2030 “bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”(21). Đáng chú ý, các chính sách cần hướng đến việc công nhận năng lực, giá trị và quyền tự chủ của những cá nhân lớn tuổi thay vì giao cho họ những nhiệm vụ mang tính hình thức; tập trung phát triển lực lượng lao động, xây dựng các chương trình đào tạo, cải thiện mức lương và điều kiện làm việc để bồi dưỡng đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Đảng, Nhà nước bảo đảm quyền được thụ hưởng sự chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện để phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công cuộc phát triển đất nước của người cao tuổi_Nguồn: TTXVN

Thứ hai, tích cực, chủ động trong giao lưu, học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới trong đối mặt, xử lý các vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số. Việt Nam là nước đi sau và có tốc độ nhanh hơn trong quá trình già hóa, diễn biến phức tạp; do đó, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để có sự chuẩn bị là rất cần thiết. Đặc biệt, chú trọng phát triển bền vững lĩnh vực kinh tế, gia tăng nguồn tài chính dài hạn của các hộ gia đình, giúp NCT có điều kiện chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn nghỉ hưu.

Thứ ba, tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ tốt hơn, như tăng thời gian nghỉ sau sinh; có điều kiện tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản dễ dàng; gia tăng sinh kế nhằm thoát nghèo, đủ khả năng nuôi dưỡng khi sinh con; tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nam giới và nữ giới về vấn đề mang thai, tránh thai để họ có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt(22). Phải đặc biệt chú ý đến vấn đề duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương có mức sinh thấp, hỗ trợ chương trình y tế nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư khoa học – công nghệ cho y tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành ít cách biệt và giảm tỷ trọng các ngành có sự chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa các nhóm tuổi; khuyến khích phát triển các ngành phục vụ, chăm sóc NCT, cũng như các ngành kinh tế liên quan và các ngành có nhu cầu sử dụng lực lượng lao động là NCT; thực hiện các chính sách phù hợp, khoa học đối với công tác dân số và duy trì tỷ lệ sinh hợp lý. Mặt khác, cân nhắc, mở rộng nghiên cứu các chính sách về lương hưu, cung cấp bảo hiểm cho mọi đối tượng lao động để họ có thể tiếp cận tốt hơn các nguồn lực an sinh xã hội, là cơ sở để lập kế hoạch cho giai đoạn nghỉ hưu(23). Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mọi công dân trong chủ động tạo nguồn tài chính phục vụ cuộc sống sau khi về già của cá nhân và gia đình./.

———————

(1) Xem: United Nations: World population ageing 2020 highlights: Living arrangements of older persons (Tạm dịch: Những điểm chính về vấn đề hóa dân số thế giới năm 2020: Sắp xếp lại cuộc sống cho người cao tuổi), New York, 2020, tr. 3, https://www.un.org/development/desa/pd/sites/www.un.org.development.desa.pd/files/undesa_pd-2020_world_population_ageing_highlights.pdf
(2) Xem: United Nations: World Ageing Population 2013 (Tạm dịch: Già hóa dân số thế giới năm 2013), New York, 2013, tr. 20, https://digitallibrary.un.org/record/826632?v=pdf
(3) Xem: Trương Thị Ngọc Lan – Phạm Thị Giang: “Thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam”, Tạp chí Quản lý nhà nước, ngày 26-11-2020, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/11/26/thich-ung-voi-gia-hoa-dan-so-o-viet-nam/#:~:text=(Quanlynhanuoc)%20%E2%80%93%20M%E1%BB%99t%20trong%20nh%E1%BB%AFng,s%E1%BB%B1%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng
(4) Xem: J. Fries: “Aging, natural death, and the compression of morbidity” (Tạm dịch: Già hóa – cái chết tự nhiên và sức ép của bệnh tật), The New England Journal of Medicine, ngày 17-7-1980, https://www.researchgate.net/publication/15816171_Aging_Natural_Death_and_the_Compression_of_Morbidity
(5) Xem: M. VerbiČ: “The ageing population and the associated challenges of the Slovenian pension system” (Tạm dịch: Dân số già và những thách thức tác động đến hệ thống lương hưu ở Slovenia), Financial theory and practice, 2008, số 32, tr. 321 – 338
(6) Xem: M. Bussolo, J. Koettl và E. Sinnott: “Golden aging: Prospects for healthy, active, and prosperous aging in Europe and Central Asia” (Tạm dịch: Già hóa vàng: Triển vọng về tuổi già khỏe mạnh, năng động và thịnh vượng ở châu Âu và Trung Á), The World Bank, Working Paper, 2015; A. Gray: Population Ageing and Health Care Expenditure (Tạm dịch: Già hóa dân số và chi tiêu y tế, chăm sóc sức khỏe), Ageing Horizons, 2019, tr. 15 – 20
(7) Xem: P. Lloyd Sherlock, M. McKee và et al: “Population ageing and health” (Tạm dịch: Già hóa dân số và sức khỏe), The Lancet, ngày 4-4-2012, https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(12)60519-4/fulltext
(8) Xem: United Nations: “World Population Ageing 2013”, Tlđd
(9) Xem: United Nation: World social report 2023: Leaving no one behind in an ageing world (Tạm dịch: Báo cáo tình hình xã hội thế giới năm 2023: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong một thế giới già hóa), United Nations Department of Economic and Social Affairs, 2023, tr. 17,  https://www.un-ilibrary.org/content/books/9789210019682/read
(10) Xem: Shogo Kudo, Emmanuel Mutisya và Masafumi Nagao: “Population aging: An emerging research agenda for sustainable development” (Tạm dịch: Già hóa dân số: Một chương trình nghiên cứu mới về phát triển bền vững), Social Sciences, ngày 5-10-2015, https://www.mdpi.com/2076-0760/4/4/940
(11) Xem: “Caring for older people in age-friendly communities” (Tạm dịch: Chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng thân thiện với người già), The Red Cross EU Office, ngày 7-9-2022, https://redcross.eu/latest-news/caring-for-older-people-in-age-friendly-communities_ftn1
(12) Xem: “Việt Nam và Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 29-8-2023, https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-va-nhat-ban-trao-doi-kinh-nghiem-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-645280.html
(13) Xem: Bùi Nghĩa, Nguyễn Hữu Hoàng, Nguyễn Thị Hoa: Chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,Thành phố Hồ Chí Minh, 2020
(14) Xem: Gia Linh: “Già hóa dân số ở một số nước châu Á”, Tạp chí Con số và sự kiện điện tử, ngày 21-1-2022, https://consosukien.vn/gia-ho-a-dan-so-o-mo-t-so-nuo-c-chau-a.htm
(15) Xem: Lâm Anh: “Nỗi lo dân số già của EU”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 11-11-2023, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/noi-lo-dan-so-gia-cua-eu-750847
(16) Xem: Đức Trung: “Gần 40% công ty ở Nhật Bản thuê lao động trên 70 tuổi”, Báo điện tử VNExpress, ngày 26-8-2023, https://vnexpress.net/gan-40-cong-ty-o-nhat-ban-thue-lao-dong-tren-70-tuoi-4642437.html
(17) Xem: National Intellegence Council: Global trends 2025: A transformed world (Tạm dịch: Những xu hướng toàn cầu năm 2025: Một thế giới đã thay đổi), Washington DC, tháng 11-2008, tr. 21, https://www.dni.gov/files/documents/Newsroom/Reports%20and%20Pubs/2025_Global_Trends_Final_Report.pdf
(18) Xem: Hà Linh: “Người già dễ bị lừa đảo qua mạng”, Báo Tuổi trẻ Thủ đô điện tử, ngày 4-10-2023, https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-gia-de-bi-lua-dao-qua-mang-235188.html
(19) Xem: Cẩm Bình: ““Kẻ thù mới” của quân đội Hàn Quốc”, Tạp chí Một thế giới điện tử, ngày 31-12-2023, https://1thegioi.vn/ke-thu-moi-cua-quan-doi-han-quoc-212564.html
(20) Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 27-9-1995, của Ban Bí thư, “Về chăm sóc người cao tuổi” xác định nhiệm vụ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; Luật Người cao tuổi năm 2009; Quyết định số 544/QĐ-TTg, ngày 25-4-2015, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, đây là dịp kêu gọi sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội cùng tham gia chăm sóc người cao tuổi; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” xác định nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia; Quyết định số 1125/QĐ-TTg, ngày 31-7-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016 – 2020”,…
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 271
(22) Xem: Positive News: “5 possible solutions to overpopulation” (Tạm dịch: 5 giải pháp khả thi cho tình trạng dân số quá tải), ngày 10-7-2017, https://www.positive.news/society/5-possible-solutions-overpopulation/
(23) Theo đó, mọi người cần xác định rõ kế hoạch chi tiêu và phương thức dự định tích lũy tài sản đến tuổi nghỉ hưu để tạo nguồn tài chính đáp ứng các nhu cầu cuộc sống, tránh lạm dụng sự hỗ trợ từ nhà nước. Mặt khác, nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xác định đối tượng phù hợp được hỗ trợ, như những người không may gặp vấn đề về sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn,… thay vì cung cấp chung các khoản chi tiêu dành cho NCT dưới mọi hình thức.

Trần Thọ Quang, Trần Tăng Khởi // https://www.tapchicongsan.org.vn/

——————————————————————

BÌNH THUẬN: QUAN TÂM CHĂM SÓC VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI

Ngày 6/6/2024 là kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống người cao tuổi (NCT) Việt Nam, Ngày NCT Việt Nam (6/6/1941 – 6/6/2024). Những ngày này, các cấp hội NCT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực để chào mừng.

Trong đó, trọng tâm của các hoạt động là tuyên truyền, ôn lại truyền thống 83 năm Ngày người cao tuổi Việt Nam. Từ nguyện vọng tha thiết của lớp NCT trong cả nước, cùng với sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến to lớn của lớp người cao tuổi Việt Nam, ngày 26/5/2006, Chính phủ đã ban hành quyết định của Thủ tướng lấy ngày 6/6 hàng năm là Ngày truyền thống Người cao tuổi (NCT) Việt Nam có dấu mốc lịch sử khởi đầu là ngày Bác Hồ ra “Lời hiệu triệu đoàn kết các bậc phụ lão”. Nội dung cốt lõi của Ngày truyền thống NCT Việt Nam là dịp để NCT ôn lại và khắc sâu niềm tự hào về những đóng góp của mình đối với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ đó phát huy vai trò của NCT trong giai đoạn mới của đất nước, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng đã trao tặng cho lớp NCT hiện nay “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Khám bệnh cho người cao tuổi luôn được quan tâm thực hiện.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của NCT 83 năm qua, NCT cả nước đã hăng hái thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần “Tuổi cao – Gương sáng” trong các phong trào thi đua, có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi; tham gia giữ gìn an ninh trật tự; tham gia các hoạt động ở địa phương (xây dựng hương ước, quy ước, nếp sống văn minh, lành mạnh…) các cấp Hội cơ sở góp phần quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng ông Đào Xuân Nay – Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh đến thăm, mừng thọ các cụ 100 tuổi.

Các tổ chức Hội NCT Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở luôn bám sát các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chăm sóc NCT, phát huy vai trò NCT; tích cực tham gia các phong trào, chương trình lớn do Hội phát động, như: Triệu áo ấm tặng NCT nghèo; Mắt sáng cho NCT; NCT tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; NCT tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo và phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; NCT xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu; NCT tham gia chuyển đổi số chuyển đổi xanh; NCT tham gia xây dựng và phát triển Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT ở cơ sở; thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao: Tháng hành động vì NCT Việt Nam; nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của NCT được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Tại Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có hơn 103.000 người cao tuổi, trong đó có hơn 93.700 người tham gia vào tổ chức hội tổng số hội viên 93.787 người. Để NCT được chăm sóc đầy đủ cả vật chất và tinh thần, các cấp Hội NCT và đông đảo hội viên quyết tâm thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 Chương trình công tác lớn, nhất là thực hiện Tháng hành động vì NCT Việt Nam; đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao –Gương sáng”; tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương có nhiều cách làm hay đưa phong trào “Chăm sóc và phát huy vai trò NCT” của tỉnh đạt nhiều thành tích.

Đặc biệt, vào ngày hôm nay (6/6) nhân Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam, Ngày Người cao tuổi Việt Nam năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho 10 người cao tuổi (mỗi suất 1 triệu đồng) ở 2 huyện Bắc Bình, Tuy Phong và 2 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi (mỗi suất 3 triệu đồng) là Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh (phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết) và Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiên Phước (xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết). Từ đó, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng và khích lệ NCT tiếp tục nỗ lực, phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao” trong các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp cho cộng đồng cùng sự phát triển của xã hội và mãi mãi là niềm tự hào của mỗi gia đình, là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Ngọc Hân // https://baobinhthuan.com.vn/

——————————————————————

KỈ NIỆM 83 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

Rất nhiều năm qua, đại đa số cán bộ, hội viên và người cao tuổi Phan Thiết phấn khởi tham gia các phong trào thi đua như: “Tuổi cao – gương sáng”, “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn mình” đạt nhiều kết quả nổi bật. Song song đó, phát huy truyền thống “kính lão trọng thọ”, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Nhân kỉ niệm  83 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi (NCT) Việt Nam (06/6/1941-06/6/2024), các cơ sở Hội NCT trên địa bàn thành phố đã đồng loạt tổ chức sinh hoạt ôn lại ngày truyền thống và giao lưu văn nghệ tạo điều kiện để người cao tuổi có dịp gặp nhau trò chuyện, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong cuộc sống. Như tại buổi sinh hoạt do Hội NCT phường Xuân An tổ chức vào sáng ngày 6/6 đã thu hút sự tham dự của hơn 100 người cao tuổi, cùng đại diện lãnh đạo, ban ngành đoàn thể phường.

Bà Trần Thị Thanh Hoa – Chủ tịch Hội NCT phường Xuân An cho biết: Dịp này, tổ chức trao tặng quà mừng thọ theo chế độ cho 135 cụ từ 70 tuổi, gồm quà và tiền mặt với tổng trị giá gần 60 triệu đồng. Đối với các cụ đi lại khó khăn sẽ được các chi hội trưởng đến tận nhà thăm hỏi, trao tặng.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của NCT 83 năm qua, thời gian qua, các cấp Hội NCT của Phan Thiết đã nỗ lực thực hiện có kết quả các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, UBND thành phố giao. Hiện Phan Thiết có hơn 14.700 hội viên người cao tuổi. Từ đầu nhiệm kỳ năm 2021 đến tháng 5/2024, Hội NCT cơ sở đã vận động các nguồn lực, tổ chức thăm hỏi tặng quà cho khoảng 9.000 lượt NCT nghèo, khó khăn, tổng trị giá 2 tỷ đồng nhân dịp tết Nguyên đán, “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”; đồng thời tổ chức thăm bệnh, phúng điếu hội viên qua đời. Ngoài ra, Ban đại diện Hội NCT thành phố và Hội phường, xã đã triển khai các chương trình do Ban Đại diện Hội NCT tỉnh chỉ đạo, tổng giá trị trên 2 tỷ đồng; Phối hợp xây dựng 02 nhà đại đoàn kết cho hội viên NCT nghèo, cận nghèo. Ban đại diện Hội NCT thành phố tổ chức 2 đợt giao lưu các CLB dưỡng sinh, dân vũ; Tổ chức đoàn tham dự hội thao NCT Tỉnh Bình Thuận năm 2023 (đạt 02 giải nhất và 01 giải nhì); Các câu lạc bộ dưỡng sinh, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tổ chức họp mặt sinh hoạt, giao lưu văn nghệ …đã tạo niềm vui và sân chơi bổ ích cho NCT. Công tác chúc thọ, mừng thọ luôn được quan tâm, hàng năm, lãnh đạo UBND thành phố, xã, phường đều tổ chức đi thăm, chúc thọ, mừng thọ cho NCT. Trong phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, NCT Phan Thiết hưởng ứng, tham gia tích cực mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường” ở 126 khu phố, thôn. Hội NCT xã Thiện Nghiệp phối hợp vận động nhân dân hiến 15.000 m2 đất, 514 ngày công, tổng giá trị 3 tỷ 131 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn.

Đặc biệt vào sáng 31/5/2024, Hội NCT TP Phan Thiết đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ 6 nhiệm kỳ 2021-2026, cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức Đại hội thành lập Hội NCT cấp huyện.​ Với danh nghĩa Đại hội thành lập Hội theo chủ trương của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Tỉnh ủy, nhưng thực chất là chuyển từ mô hình Ban Đại diện sang tổ chức Hội NCT cấp huyện nhằm hoạt động thống nhất với Điều lệ Hội và quy định của pháp luật, cũng đáp ứng được nguyện vọng đông đảo của cán bộ và hội viên. Bà Nguyễn Thị Ánh – Chủ  tịch Hội NCT thành phố, cho biết, sau khi đại hội, hoạt động của tổ chức Hội đặt ra yêu cầu phải thực hiện tốt hơn về nhiệm vụ, chức năng và hiệu quả cao hơn về hoạt động của Ban Đại diện trước đây, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021-2026, như: Kết nạp NCT từ 60 tuổi trở lên vào Hội đạt tỷ lệ 90%; Xây dựng trên 80% tổ chức Hội cơ sở vững mạnh; Mỗi xã, phường phấn đấu xây dựng được 1 Chi hội đạt danh hiệu “Chi hội điển hình, tiên tiến”; Có từ 90% trở lên Hội viên đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; Trên 90% Hội NCT cơ sở có số dư Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT trên 25 triệu đồng. Hàng năm, xây dựng mới 2 hoặc 3 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.

La Min // https://www.binhthuan.dcs.vn/

——————————————————————

Giới thiệu Sách chuyên đề:
THƯ VIỆN TỈNH BÌNH THUẬN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MỘT VÀI TÀI LIỆU VỀ NGƯỜI CAO TUỔI CÓ TẠI THƯ VIỆN
  1. Sức khỏe, tâm tính người cao tuổi
  • Tác giả: Nguyễn, Văn Hấn
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Hồng Đức, 2023
  • Ký hiệu xếp giá:  613.0438 / S552K
  • Mô tả vật lý: 195tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.029937; Phòng Mượn: MVV.042950 ; MVV.042951
  • Tóm tắt: Viết về những biểu hiện ở người cao tuổi và bảo vệ sức khỏe, chống lão hóa: Tại sao con người lại già yếu; Tóc bạc, mắt kém tinh, khuôn mặt hiền từ; Lãng tai; Chân đi nằng nặng;…Tính tình và suy nghĩ của người cao tuổi: Luyến tiếc dĩ vãng, man mác buồn; Thích yên tĩnh; Thật lòng;….
  1. Kiến thức cơ bản chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
  • Tác giả: Tạ, Tông Vụ
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Nxb. Hà Nội, 2020
  • Ký hiệu xếp giá: 613.0438 / K305T
  • Mô tả vật lý: 159tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.027917; Phòng Mượn: MVV.039692
  • Tóm tắt: Trình bày những kiến thức cơ bản về chăm sóc và điểu trị một số bệnh mãn tính, bệnh thường gặp và kéo dài tuổi thọ ở người cao tuổi.
  1. Cẩm nang pháp luật Luật người cao tuổi và những chế độ, chính sách bảo trợ dành cho người cao tuổi
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Hồng Đức, 2017
  • Ký hiệu xếp giá: 344.5970326 / C120N
  • Mô tả vật lý: 383tr., 28cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.014646; Phòng Mượn: MVL.017079 ; MVL.017080
  • Tóm tắt: Giới thiệu về Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam; Điều lệ Hội Người cao tuổi và Điều lệ Quỹ nhân ái người cao tuổi; Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các chính sách hỗ trợ khác; Luật Người khuyết tật và công tác quản lý; Chính sách trợ giúp xã hội dành cho đối tượng bảo trợ xã hội…
  1. 143 bài tập ngón tay tăng cường trí não cho người cao tuổi
  • Tác giả: Thu Hương
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Phụ nữ, 2012
  • Ký hiệu xếp giá: 613.7 / M458T
  • Mô tả vật lý: 207tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.020247; Phòng Mượn: MVV.027028; MVV.027029
  • Tóm tắt: Giới thiệu những bài tập ngón tay giúp não bộ và cơ thể khỏe mạnh, làm chậm quá trình lão hóa và suy giảm chức năng não bộ ở người cao tuổi
  1. Almanac người cao tuổi
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Dân trí, 2011
  • Ký hiệu xếp giá: 305.26 / A100L
  • Mô tả vật lý: 459tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.017975; DVV.020530 ; Phòng Mượn: MVV.023337; MVV.023338; MVV.027348
  • Tóm tắt: Trình bày lịch sử và vấn đề người cao tuổi, tâm sinh lý bệnh và cách phòng chống, liệu pháp nâng cao sức khỏe và tuổi thọ…
  1. Rèn luyện thân thể của người cao tuổi
  • Tác giả: Nguyễn, Toán
  • Thông tin xuất bản: Hà Nội: Thể dục Thể thao, 2011
  • Ký hiệu xếp giá: 613.7 / R203L
  • Mô tả vật lý: 279tr., 21cm
  • Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.018257; Phòng Mượn: MVV.023834; MVV.023835
  • Tóm tắt: Trình bày quan niệm, tác dụng, yêu cầu, nội dung, cách thức rèn luyện thân thể cơ bản của người cao tuổi. Giới thiệu 100 câu hỏi đáp các vấn đề thực tế về rèn luyện sức khoẻ giúp bạn đọc tư tìm hiểu và tập luyện

Views: 3355