79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2024)
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:
79 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN
(23/9/1945 – 23/9/2024)
- Ngày Nam Bộ kháng chiến: Mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc
- Nam Bộ kháng chiến và những bài học chiến thắng nguy nan
- Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2024): “Hừng hực khí thế mùa thu rồi ngày 23…”
- Giới thiệu Sách: Một vài tài liệu về lịch sử Nam Bộ kháng chiến có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận
———————————————————————
NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN: MỐC SON LỊCH SỬ VẺ VANG CỦA DÂN TỘC
Trước hành động Pháp công khai tiến hành chiến tranh xâm lược, sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ đã tiến hành họp khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng tại số nhà 107 đường Cây Mai thuộc Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5). Hội nghị phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, thái độ đồng lõa của đế quốc Anh và quyết định thành lập Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”:
“…Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, quân dân tự vệ!
Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu!”
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp. Các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, điện, nước bị cắt, chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “độc lập hay là chết”, quyết tâm thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Theo sát tình hình, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngay trong ngày 23/9/1945, sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ và cử một phái đoàn của Trung ương vào Nam Bộ để cùng Xứ ủy chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Ngày 26/9/1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước:
“Hỡi đồng bào Nam Bộ!…
Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”…
Đáp lại lời kêu gọi của Người, quân và dân Nam Bộ sục sôi ý chí chiến đấu, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với kẻ thù xâm lược.
Bằng sự kiên cường, bất khuất, quân và dân Nam bộ nói chung, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nói riêng đã chiến đấu kìm chân quân Pháp trong thành phố, thị xã, tiêu hao nhiều sinh lực địch, kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, phải chôn chân ở miền Nam nhiều tháng ròng để cả nước chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước, thanh niên miền Bắc và miền Trung tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào “Nam tiến” xuất hiện khắp nơi. Cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho Nam bộ, nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam bộ kháng chiến ra đời, nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam bộ kháng chiến…
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam Bộ có ý nghĩa rất to lớn, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Để ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.
Từ gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc”. Trên suốt chặng đường dài lịch sử, nhân dân miền Nam giữ vững lời thề son sắt, đã hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh cho Hòa bình – Độc lập -Thống nhất đất nước. Cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Nam nói riêng cùng với nhân dân cả nước nói chung đã lập nên chiến công chói lọi. Với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 23/9 đã đi vào lịch sử là “Ngày Nam bộ kháng chiến”, mở đầu cho cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của nhân dân Nam bộ. Tinh thần “Ngày Nam bộ kháng chiến” là động lực to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
———————————————————————
NAM BỘ KHÁNG CHIẾN VÀ NHỮNG BÀI HỌC CHIẾN THẮNG NGUY NAN
“Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”- Đó là quyết tâm cũng là khí phách anh hùng của quân và dân Nam Bộ đã vang lên trong những ngày vùng lên kháng chiến chống thực dân Pháp cách đây 79 năm, ngày 23/9/1945, thể hiện tinh thần “Thành đồng Tổ Quốc”.
Chỉ đúng 3 tuần sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam độc lập, rạng sáng ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Trước “tiếng kêu sơn hà nguy biến”, dù gặp rất nhiều khó khăn và phải đương đầu với quân đội nhà nghề, khi trong tay chủ yếu là vũ khí thô sơ, lực lượng thì mỏng nhưng quân và dân Nam Bộ đã kiên quyết kháng chiến. Chính vì thế, trong lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Khẩu hiệu “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” càng thể hiện tinh thần quyết tâm kháng chiến chống quân xâm lược mặc dù chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập được bao lâu nhưng nhân dân Nam Bộ vẫn sẵn sàng “đi trước về sau”.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta đã được Đảng và Bác Hồ dự đoán sớm. “Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày mùng 2 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhấn mạnh, nhân dân ta giành chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Điều đó để nói rằng nếu Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam là Pháp lại tiến hành chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo từ khi đọc Tuyên ngôn Độc lập để cho người dân chúng ta hiểu rõ là chúng ta đã nhìn thấy, đã dự đoán được âm mưu và hành động của thực dân Pháp” – PGS TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích.
Bởi thế, ngay sau khi quân Pháp nổ súng xâm lược, trong buổi sáng 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ triệu tập Hội nghị tại đường Cây Mai, quyết định phát động toàn dân kháng chiến, thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; đồng thời gửi điện xin chỉ thị Trung ương.
Bước vào kháng chiến, quân và dân Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, chưa có nhiều vũ khí, tài chính, lực lượng, chưa xây dựng được căn cứ địa, chiến khu… Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp bách là phải thống nhất tổ chức đảng, kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất, làm cơ sở để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và thực lực kháng chiến.
Ngày 15/10/1945, Hội nghị cán bộ đảng Nam Bộ nhất trí giải thể hai Xứ ủy (Tiền Phong và Giải phóng), thành lập Xứ ủy Nam Bộ thống nhất do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Mười ngày sau, trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng được tổ chức tại Thiên Hộ (Mỹ Tho), bàn chủ trương củng cố, kiện toàn hơn nữa hệ thống tổ chức đảng trên toàn Nam Bộ, thống nhất lực lượng vũ trang. Hội nghị cử đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy thay đồng chí Tôn Đức Thắng. Sự thống nhất về tổ chức đảng – cơ quan lãnh đạo kháng chiến toàn Nam Bộ đã tạo cơ sở cho việc xây dựng, củng cố chính quyền và các tổ chức, đoàn thể cách mạng.
PGS.TS Nguyễn Đình Lê, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng dù biết trước có những gian nan nhưng ý chí của quân và dân Nam Bộ đã thể hiện vai trò then chốt. “Chính quyền còn non trẻ, kẻ thù phá cả bên trong bên ngoài, tài chính không có, vũ khí cũng không, quân đội thì mới thành lập. Nam Bộ lúc đó chính là đứng mũi chịu sào, tạo điều kiện cho cả nước, tạo điều kiện có thêm thời gian để Trung ương chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài”.
Trong bối cảnh vô vàn khó khăn như vậy, nhưng Nam Bộ không đơn độc, bởi chỉ sau đó 3 ngày, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khích lệ đồng bào Nam Bộ. Qua đó cũng thể hiện quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, kiên quyết giữ nền độc lập mới giành lại được.
Theo Đại tá TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, bức thư của Bác Hồ vô cùng ý nghĩa, đã động viên đồng bào Nam Bộ vững bước, cũng là một lời kêu gọi cả nước toàn lực ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. “Chính vì thế chúng ta có những đoàn quân Nam tiến, tất cả để làm sao huy động ra phía trước cùng chiến đấu chống lại thực dân Pháp xâm lược. Từ sự ủng hộ nhiệt thành của cả nước chúng ta đã ngăn cản được bước tiến của thực dân Pháp”.
Theo sát tình hình, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngay trong ngày 23/9/1945, sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ. Ngày 27/9/1945, Chính phủ Trung ương gửi Huấn lệnh cho Nam Bộ.
Ngày 29/10/1945, trong “Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc…”.
Đặc biệt, ngày 25/11/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc, trong đó xác định rõ những “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ”. Thực hiện chỉ thị này, quân và dân Nam Bộ đã vận dụng chiến thuật phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn bước tiến của địch và giành được những thắng lợi nhất định.
Tháng 02/1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, danh hiệu này có ý nghĩa đặc biệt, cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất tin tưởng vào quân và dân Nam Bộ. “Mặc dù đi trước về sau, mặc dù không có thời gian chuẩn bị lâu dài, nhưng cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ đã góp phần ngăn chặn và làm phá sản bước đầu chủ trương chiến lược đánh nhanh giải quyết nhanh của thực dân Pháp. Đồng thời cũng giúp cho miền Bắc có thời gian để xây dựng lực lượng. Chính vì thế, cho nên chữ “Thành đồng Tổ quốc” ở đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm vào đó một niềm tin mong muốn vào quyết tâm chiến đấu của quân dân miền Nam”.
“Thời gian đã lùi xa 79 năm, nhưng tinh thần và những bài học quý của Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Bài học đầu tiên là khẳng định quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập tự do mới giành được ngày 2/9/1945. Thứ hai là khẳng định sự đoàn kết, nhân dân Nam Bộ chiến đấu nhưng đều có sự đồng tình ủng hộ, góp sức của nhân dân cả nước. Nó thể hiện Bắc Nam là một nhà, Bắc Nam ruột thịt. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam không đơn độc, đây là sự phối hợp chiến đấu rất nhịp nhàng. Bài học này là bài học vừa chiến đấu vừa xây dựng mà sau này Đảng ta đã đúc kết lại thành các chỉ thị mang tên “Kháng chiến và kiến quốc”- nó cũng thể hiện đường lối kháng chiến của Đảng là kháng chiến ở miền Nam và kiến quốc ở miền Bắc. Đây là một bài học về sự lãnh đạo của Đảng đã kết hợp các mặt trận, kết hợp các mũi tiến công và kết hợp giữa việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Thời gian đã lùi xa 79 năm, nhưng tinh thần và những bài học quý của Nam Bộ kháng chiến đã được kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thu Hà // https://vov2.vov.vn/
———————————————————————
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN (23/9/1945 – 23/9/2024): “HỪNG HỰC KHÍ THẾ MÙA THU RỒI NGÀY 23…”
Cách đây 79 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng đã đánh úp trụ sở Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và cơ quan tự vệ Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương.
Tinh thần “Độc lập hay là chết”
Như vậy là chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam bộ lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu.
Ngay trong sáng 23/9/1945, Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã triệu tập cuộc họp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”, xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Hội nghị quyết định: Triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp, đánh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch. Chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác; công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường, vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Ngay trong những ngày đầu, nhân dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tiêu biểu cho tinh thần “Độc lập hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23/9/1945, khi 1 đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ Sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta đã kiên quyết chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết anh dũng hy sinh đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ Thủ Ngữ. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc – biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt.
Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ vàtoàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.
Tại Hà Nội, Đảng và Chính phủ vừa phải lo củng cố chính quyền cách mạng và ổn định đời sống của nhân dân, vừa phải lo đối phó với quân Tưởng và bè lũ tay sai nhưng Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp ở miền Nam. Bác căn dặn nhân dân Nam bộ bình tĩnh, tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng, củng cố giữ vững chính quyền cách mạng; cử một phái đoàn của Trung ương vào Nam bộ để cùng Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến. Người dân Sài Gòn và Nam bộ hừng hực khí thế của “Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân Sài Gòn đã thực hiện chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”, hình thành 4 mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường. Các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Nhân dân Sài Gòn triệt để thực hiện tổng đình công, nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ búa đóng cửa, xe điện ngưng chạy…Vòng vây quân sự cùng với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bất ngờ, hoảng sợ.
Thành đồng Tổ quốc
Theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã thể hiện tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng. Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam Bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố. Chúng đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao. Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào “Nam tiến” với khí thế hăng say chưa từng có. Chính vì lẽ đó, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”. Và Ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 đã trở thành một trong những dấu ấn không thể phai mờ trong truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Trong điều kiện miền Bắc gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn phát động nhiều phong trào ủng hộ Nam bộ kháng chiến. Hàng vạn thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ đã tình nguyện lên đường Nam tiến, vào Nam đánh giặc. Nhân dân đóng góp tiền bạc, quần áo, thuốc men ủng hộ đồng bào miền Nam. Chi đội Giải phóng quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội đêm 26/9/1945, mở đầu phong trào cả nước ra trận, phản ánh ý chí “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc”. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ đã tạo điều kiện để toàn Đảng toàn dân ta chuẩn bị và tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài trong cả nước. Ý chí chiến đấu quật cường của đồng bào Nam Bộ trong ngày 23/9/1945 đã để lại những bài học vô cùng quý giá. Đó là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Trước sức mạnh của kẻ thù, Xứ ủy Nam bộ đã thấy được sức mạnh vô cùng to lớn từ nhân dân. Nhân dân Nam bộ quyết không khuất phục, đã nhất tề đứng dậy chiến đấu. Xứ ủy Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến là quyết định hợp lòng dân, đã phát huy sức mạnh to lớn từ nhân dân. Đường lối đúng đắn của Đảng, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam bộ đã tập hợp và phát huy được tất cả các lực lượng, đồng thuận hướng đến ngọn cờ độc lập dân tộc, chống lại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương. Đó còn là bài học về sức mạnh toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ đã được phát huy cao độ. Trong những tháng năm đó, cùng với đồng bào Nam bộ kháng chiến, đã có hàng vạn những người con ưu tú của miền Bắc đã lên đường “Nam tiến” giết giặc. Quân và dân Nam bộ đã sống, chiến đấu xứng đáng với danh hiệu Bác Hồ phong tặng suốt 30 năm chiến đấu kéo dài, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Và đó cũng là một biểu tượng kiên cường bất khuất cho mảnh đất miền Nam Thành đồng đi trước, về sau.
79 năm đã qua kể từ Ngày Nam Bộ kháng chiến, trong trái tim của những người Việt Nam yêu nước vẫn luôn tự hào về truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha, anh đã anh dũng kiên cường chiến đấu hy sinh để bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa mãi mãi là nguồn động lực sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Huỳnh Thái Dương // https://baobinhthuan.com.vn/
———————————————————————
Giới thiệu Sách:
THƯ VIỆN TỈNH BÌNH THUẬN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MỘT VÀI TÀI LIỆU VỀ LỊCH SỬ NAM BỘ KHÁNG CHIẾN CÓ TẠI THƯ VIỆN
- Thông tin xuất bản: Tp.Hồ Chí Minh: Nxb.Trẻ, 2015
- Ký hiệu xếp giá: 959.7041 / N104B
- Mô tả vật lý: 68tr., 20cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Thiếu nhi: TN/VN.026593; TN/VN.026594; TN/VN.026595
- Tóm tắt: Phản ánh cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam diễn ra trên địa bàn Nam Bộ thời kỳ 1946-1954.
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2011
- Ký hiệu xếp giá: 959.704 / NH556V
- Mô tả vật lý: 1319tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.011804
- Tóm tắt: Trình bày vai trò lịch sử của giai cấp nông dân và vấn đề rộng đất, nông thôn trong lịch sử kháng chiến ờ Nam Bộ, phong trào cách mạng ở đô thị Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các thành thị Miền Nam (1945 – 1954).
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Chính trị quốc gia, 2010
- Ký hiệu xếp giá: 959.7041 / L302S
- Mô tả vật lý: 956tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.011812
- Tóm tắt: Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Sự thật, 2010
- Ký hiệu xếp giá: 959.7043 / L302S
- Mô tả vật lý: 1666tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.011813
- Tóm tắt: Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Mỹ (1954 – 1975)
Views: 9