50 bản thông đạt của Bác Hồ và những vấn đề đặt ra cho công tác lưu trữ

Cách đây vừa đúng 50 năm, ngày 3/1/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Bộ trưởng thuộc Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc đó một bản Thông đạt mang số 1C-VP về công tác lưu trữ các công văn tài liệu, yêu cầu chấn chỉnh công tác này của các cơ quan.

Trong 50 năm qua, cùng với sự phát triển của Nhà nước cách mạng Việt Nam, công tác lưu trữ của nước nhà đã có nhiều bước tiến đáng kể. Đảng và Nhà nước ta đã có những quan tâm to lớn đến công tác lưu trữ cũng như đối với các hoạt động khác của bộ máy quản lý Nhà nước trong thời chiến cũng như trong thời bình. Cùng với Pháp lệnh về bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ quốc gia công bố năm 1982, trước và sau đó nhiều văn bản quan trọng khác cũng đã được ban hành làm nền tảng cho sự phát triển công tác lưu trữ và công tác công văn giấy tờ của nước ta. Trong hoạt động thực tiễn, nhiều trung tâm lưu trữ Nhà nước đã được xây dựng. Một đội ngũ cán bộ chuyên môn dần dần đã được đào tạo ở đủ mọi cấp để đảm đương các nhiệm vụ do thực tế đặt ra. Các trung tâm bảo quản tài liệu lưu trữ đã từng bước hình thành cả ở Trung ương và địa phương. Tài liệu lưu trữ ngày càng được sử dụng có hiệu quả vào hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước cũng như trong lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Công tác lưu trữ Việt Nam đang vươn ra để hoà nhập dần với hoạt động lưu trữ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhìn lại 50 năm qua, điều đáng nói là ngay từ ngày những bước đi đầu tiên của mình, nền lưu trữ cách mạng của nước ta đã đi theo đúng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Thông đạt số 1C-VP. Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng một văn bản hết sức ngắn gọn, đã nêu lên những tư tưởng chiến lược và những yêu cầu cấp bách cho công tác bảo vệ, sử dụng tài liệu lưu trữ, mà cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Trước những việc làm sai trái của một số cán bộ lúc đó “tự huỷ bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ”(1), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng đó là hành động “có tính cách phá hoại, vì nó làm mất những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. Người chỉ thị không được tiêu huỷ tài liệu nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép và phải nghiêm trị những viên chức trái lệnh.

Trong lịch sử các văn bản pháp quy về công tác lưu trữ của nước ta, có thể nói chưa có văn bản nào ngắn gọn mà chứa đựng những tư tưởng và chiến lược như bản Thông đạt số 1C-VP. Nó đặt ra nền móng cho một nhận thức toàn diện về mục đích cuối cùng của công tác lưu trữ, về tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ đối với tiền đồ đất nước mà chính quyền cách mạng không thể không quan tâm. Cần nói rằng bản Thông đạt số 1C-VP được Bác Hồ ký vào thời điểm rất khó khăn của Nhà nước cách mạng non trẻ, sự sống còn của nền độc lập vừa giành lại của nước ta lúc đó đang ngàn cân treo sợi tóc. Đặt vào tình huống đó, chúng ta sẽ thấy rõ mối quan tâm của người đứng đầu đất nước với công tác lưu trữ ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công to lớn đến chừng nào. Nửa thể kỷ đã đi qua kể từ lúc đó, nếu chúng ta biết rằng ngày nay không phải mọi người, kể cả nhiều cán bộ phụ trách các ngành, các cấp đã hiểu rõ ý nghĩa của tài liệu lưu trữ, đã nêu cao được trách nhiệm và quan tâm thật sự đến công tác lưu trữ, thì quả thật hơn ai hết Bác Hồ là người luôn luôn nhìn xa và lường trước được mọi vấn đề, kể cả những vấn đề rất cụ thể.

Là một nhà văn hoá kiệt xuất, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại và văn hoá Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng không một sự phát triển nào trước mắt cũng như lâu dài lại có thể tách rời quá khứ. Càng phát triển thì lại càng phải dựa vào những thành tựu của quá khứ để lại. Lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại và của chính nước ta đã không chỉ một lần chứng tỏ chân lý đó. Từ đó chúng ta hoàn toàn hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lo lắng đến như vậy khi biết nhiều cán bộ của Nhà nước mới đốt hoặc bán đi các tài liệu và hồ sơ cũ. Về phương diện văn minh, đó cũng có thể xem là những hành động bạo tàn cần nghiêm khắc cảnh cáo và ngăn chặn kịp thời . Ngăn chặn các hành động đó chính là tạo một tiền đề quan trọng cho việc kiến thiết quốc gia. Dĩ nhiên, muốn tài liệu lưu trữ trở thành một tiềm năng của công cuộc kiến thiết quốc gia thì phải làm nhiều việc: phải lựa chọn, đánh giá chúng, phải tổ chức bảo quản và sử dụng hợp lý từng loại tài liệu. Càng bước vào thời kỳ đổi mới như hiện nay, chúng ta càng thấy những tư tưởng, quan niệm do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ năm 1946 về công tác lưu trữ là chính xác và hết sức sáng suốt. Chúng ta đã vượt qua thời gian và đòi hỏi phải tiếp tục quán triệt, vận dụng cho mọi thời kỳ.

Nghiên cứu những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn xây dựng Nhà nước và cải cách nền hành chính hiện nay có thể thấy một số nhiệm vụ của ngành lưu trữ Việt Nam nổ lên như sau:

Trước hết, và có tầm quan trọng đặc biệt, đó là việc xây dựng một hệ thống văn bản pháp quy hoàn chỉnh về công tác lưu trữ. Đến nay ngành lưu trữ Việt Nam vẫn hoạt động nghiệp vụ theo một bản điều lệ được công bố năm 1963 bằng Nghị định 142/CP. Chúng ta chưa có một điều lệ thay đổi để bổ sung hoặc thay thế điều lệ cũ cho phù hợp với những yêu cầu mới của đất nước sau bao nhiêu năm biến đổi lịch sử. Đó là một điều quá chậm. Nhiều điều trong bản Pháp lệnh đã nhắc đến ở trên cũng chưa được hướng dẫn và thực hiện tốt. Chưa nói rằng đã đến một thời điểm mà muốn bảo vệ thật sự tài liệu lưu trữ quốc gia an toàn và sử dụng chúng có hiệu quả vào công cuộc kiến thiết nước nhà như Bác Hồ đã nhắc nhở cách đây nửa thế kỷ, thì chúng ta cần phải có luật về công tác lưu trữ. Điều này nhiều nước khác trên thế giới đã làm từ lâu. Chúng ta dù sớm muộn nhất định sẽ phải làm. Làm càng sớm thì hiệu quả của việc bảo vệ và sử dụng tài liệu lưu trử càng sớm được phát huy. Làm càng muộn thì khả năng mất mát càng lớn.

Thứ hai là chúng ta cần có một hệ thống tổ chức hợp lý, đủ mạnh, một chính sách bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng hợp lý cán bộ lưu trữ trong các cơ quan của bộ máy Nhà nước cũng như của các tổ chức kinh tế xã hội khác. Hệ thống tổ chức lưu trữ của ta đã được nói đến từ lâu và bước đầu chúng ta cũng đã xây dựng được một số trung tâm. Tuy nhiên, trừ một vài cơ sở ở trung ương và một số địa phương lớn, đến nay hệ thống đó của chúng ta vẫn còn rất không đồng bộ. Công tác chỉ đạo của các cơ quan còn quá hạn chế nên tài liệu tại các cơ sở lưu trữ thì ít, nhất là lại thiếu một chính sách sử dụng hợp lý đối với loại cán bộ nghiệp vụ này. Dù muốn dù không, nhưng điều đó thực tế đã cản trở sự phát triển công tác lưu trữ của nước ta. Muốn phát triển công tác này một cách bền vững đây cũng là điều cấp bách phải quan tâm giải quyết.

Thứ ba là chúng ta hiện rất thiếu các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể và hàng loạt khâu trong công tác lưu trữ. Cũng không nên trách cứ nhiều đến cán bộ của các cơ quan nếu thật sự đứng trước một khối lượng văn bản khổng lồ họ không biết sẽ lựa chọn như thế nào cho đúng để bảo quản và sử dụng cho tốt. Có phương pháp nào là tốt, là khoa học để thu nhận tối ưu các thông tin lưu trữ? Để bảo quản và sử dụng dễ dàng các tài liệu, nhất là trong tình hình hiện nay? Đó là những câu hỏi cần phải có sự nghiên cứu và trả lời thoả đáng.

Cuối cùng, chúng ta sẽ phải đầu tư kỹ thuật, ững dụng các tiến bộ mới của công nghệ hiện đại vào việc tổ chức công tác lưu trữ của đất nước một cách hợp lý. Điều này nhiều nước quan ta và trên thế giới đã làm và có nhiều kinh nghiệm. Nếu khoong sớm đầu tư chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu, sẽ nhập mà không hoà được với thế giới đương đại.

Những vấn đề trên nếu làm tốt thì đó sẽ có thể là cách tốt nhất để biến tư tưởng của Bác Hồ trong Thông đạt số 1C-VP ngày 3-1-1946 thành hiện thực. Đất nước sẽ có thêm hy vọng giữ gìn được nhiều di sản lưu trữ cho đời sau, và trước mắt cho công cuộc xây dựng lại nước nhà.

          PGS. Nguyễn Văn Thâm                                                 

 (Học viện Hành chính quốc gia)

Báo Nhân Dân, số ra ngày 03-01-1996, tr. 3.

 

 

Views: 10858