47 năm Ngày Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc (20/9/1977 – 20/9/2024)
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:
47 NĂM NGÀY VIỆT NAM GIA NHẬP LIÊN HỢP QUỐC
(20/9/1977 – 20/9/2024)
- Quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên hợp quốc
- Quá trình gia nhập Liên hợp quốc và vị thế của Việt Nam hiện nay (Tiến tới kỷ niệm 47 năm gia nhập, ngày 20/9/1977–20/9/2024)
- 47 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2024): Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác vì mục tiêu chung
- 47 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế
- Việt Nam – Liên Hợp Quốc: Dấu ấn 47 năm đồng hành
- Giới thiệu Sách: Một vài tài liệu về chủ đề Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận
————————————————————————
QUAN HỆ HỢP TÁC VIỆT NAM – LIÊN HỢP QUỐC
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Trong 47 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam cũng luôn khẳng định là một đối tác tin cậy, trách nhiệm và tích cực đóng góp vào các hoạt động chung của Liên hợp quốc.
————————————————————————
QUÁ TRÌNH GIA NHẬP LIÊN HỢP QUỐC VÀ VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY (TIẾN TỚI KỶ NIỆM 47 NĂM GIA NHẬP, NGÀY 20/9/1977–20/9/2024)
Năm 1945, ngay sau khi được thành lập, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á long trọng tuyên bố với thế giới rằng: Việt Nam đã trở thành một nước độc lập và tự do. Tuy Chính phủ ra đời, nhưng chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận.
Để tạo vị thế trên trường quốc tế, ngay từ khi thành lập, Đảng và Nhà nước ta chủ động xin gia nhập Liên hợp quốc vào các năm 1946, 1948, 1951, 1975, 1976, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không được xem xét.
Ngày 11/7/1977, đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc tiếp tục gửi thư đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét kết nạp theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội đồng. Tại phiên họp thứ 32 ngày 20/9/1977, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên thứ 149.
Bảy mươi chín năm sau ngày lập quốc và 47 năm ngày gia nhập Liện hợp quốc, nước ta đã ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, có những tiếng nói quan trọng trên diễn đàn lớn của Liện hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã hai lần được bầu là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (năm 2007 và năm 2019). Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước.
Chắc chắn, với chủ trương, đường lối nhất quán về đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng ta, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực trong ngôi nhà chung của Liên hợp quốc vì hòa bình, hợp tác và phát triển; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguyễn Văn Sơn // https://vienkiemsatbrvt.gov.vn/
————————————————————————
47 NĂM VIỆT NAM GIA NHẬP LIÊN HỢP QUỐC (1977-2024): TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỢP TÁC VÌ MỤC TIÊU CHUNG
Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc (LHQ)-tổ chức đa phương lớn nhất thế giới với sứ mệnh xây dựng luật pháp, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và phát triển trên thế giới. Chặng đường gần 5 thập kỷ qua đã chứng minh quan hệ Việt Nam-LHQ là mối quan hệ đối tác bền chặt và còn nhiều triển vọng.
Cùng với đó, việc phát triển quan hệ hợp tác với LHQ đã góp phần giúp Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc, duy trì và củng cố môi trường hòa bình, an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. LHQ cũng đóng vai trò là “kênh kết nối” để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước và các đối tác, từ đó nâng cao vai trò, vị thế trên trường quốc tế, tranh thủ được các nguồn lực để phát triển đất nước.
Để có được những thành tựu đó, bên cạnh sự hỗ trợ, hợp tác của LHQ và bạn bè quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực tham gia và ngày càng đóng góp tích cực vào các hoạt động, sứ mệnh mà LHQ theo đuổi, trong đó có thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia. Việt Nam cũng đóng góp vào quá trình thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ trên nhiều lĩnh vực như hợp tác phát triển, thúc đẩy quyền con người, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt… đồng thời, tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Điển hình là năm 2014, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử hai sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và đến nay đã gần 900 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ theo cả 2 loại hình cá nhân và đơn vị.
Với những đóng góp tích cực, thực chất vào hoạt động chung của LHQ, Việt Nam đã trúng cử và thực hiện tốt trọng trách, ghi nhiều dấu ấn tại nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC), Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO)… và hiện đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của tổ chức này.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với LHQ luôn được xác định là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam qua các thời kỳ. Hiện nay, LHQ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mà bằng chứng là Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ…
Quan hệ Việt Nam-LHQ đang bước vào giai đoạn phát triển mới đòi hỏi nhiều nỗ lực từ cả hai phía, trong đó có việc thắt chặt và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác nhằm hỗ trợ công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và củng cố vai trò của LHQ, cùng tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu chung là hòa bình, hợp tác và phát triển.
Trung Dũng // https://www.qdnd.vn/
————————————————————————
47 NĂM VIỆT NAM GIA NHẬP LIÊN HỢP QUỐC: GÓP PHẦN NÂNG CAO VỊ THẾ, HÌNH ẢNH CỦA VIỆT NAM TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ
Góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia – dân tộc
Đối ngoại đa phương là một trong những ưu tiên về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã được khẳng định trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng.Trong đó, việc thúc đẩy quan hệ với Liên hợp quốc (LHQ) được xác định là một trong những trọng tâm của đối ngoại đa phương qua các thời kỳ.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ. Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (năm 1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Mặt khác, chúng ta cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của đất nước.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, trong giai đoạn 1977 – 1986, LHQ đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD, hỗ trợ đáng kể cho đầu tư của Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển xã hội, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học – kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Đồng thời, trong bối cảnh bao vây cấm vận, hợp tác với LHQ tạo điều kiện để ta tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.
Giai đoạn 1986 – 2011, viện trợ không hoàn lại của LHQ cho Việt Nam đạt trên 630 triệu USD.Từ đầu những năm1990, nhiều nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực nối lại viện trợ cho Việt Nam nhưng LHQ vẫn chiếm 30% viện trợ kỹ thuật từ bên ngoài.
Những “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại LHQ
Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia. Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều “dấu ấn” Việt Nam tại các cơ quan như tại Hội đồng bảo an LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng KT-XH (ECOSOC).
Có thể khẳng định, thời gian qua, từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hợp tác giữa Việt Nam và LHQ ý nghĩa to lớn và có tác dụng tích cực, đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại LHQ. Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.
Hà Dung // https://baophapluat.vn/
————————————————————————
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Trong 47 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam cũng luôn khẳng định là một đối tác tin cậy, trách nhiệm và tích cực đóng góp vào các hoạt động chung của Liên hợp quốc.
Việt Nam-Liên hợp quốc: Đối tác tin cậy vì hòa bình, hợp tác và phát triển
Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên, lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tới đời sống quốc tế, chính thức được thành lập vào ngày 24/10/1945 với mục tiêu cao cả là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tạo môi trường ổn định bền vững để hợp tác và phát triển trên toàn thế giới.
Từ 51 quốc gia thành viên khi mới được thành lập, Liên hợp quốc hiện đã có 193 quốc gia thành viên và một hệ thống tổ chức toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên ngành và 5 Ủy ban kinh tế-xã hội đặt tại các khu vực, cùng hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực, từ ngăn ngừa và giải quyết xung đột, giải trừ vũ khí, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới…
Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc vào ngày 20/9/1977, trở thành quốc gia thành viên thứ 149 của tổ chức này. Việc chính thức gia nhập tổ chức toàn cầu lớn nhất này đã mở ra chương mới trong quan hệ của Việt Nam với thế giới.
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), “kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc năm 1977, hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều ý nghĩa và kết quả thiết thực cho cả hai bên. Liên hợp quốc là người bạn thủy chung gắn bó, đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam suốt chặng đường tái thiết sau chiến tranh và trong công cuộc đổi mới.”
Liên hợp quốc đã trở thành đối tác thân thiết, tin cậy, gắn bó chặt chẽ với Việt Nam trong các giai đoạn phát triển.
Các chương trình của Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức để tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận.
Những dự án từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Hợp tác với Liên hợp quốc góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đóng góp quan trọng vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu nổi bật, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điển hình là việc đã hoàn thành trước thời hạn 5 trong số 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), triển khai tốt sáng kiến “Thống nhất hành động” về cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc, nỗ lực hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, quyết tâm thực hiện cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres từng đánh giá từ khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, nhân dân Việt Nam đã viết nên câu chuyện về chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ và tràn đầy hy vọng.
Từ một nước bị tàn phá bởi chiến tranh và cô lập trên trường quốc tế, Việt Nam vươn lên là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, với nhiều thành tựu trong bảo đảm và nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Trên hành trình đó, Liên hợp quốc tự hào là đối tác của Việt Nam.
Tổng Thư ký Guterres cũng nhận định Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và đa dạng, từ việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, là sứ giả của hòa bình, là một quốc gia luôn phấn đấu vì sự đoàn kết.
Có thể khẳng định hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cùng người dân thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển.
Đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, quan hệ bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, có trách nhiệm và đóng góp thực chất, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động chủ chốt của Liên hợp quốc, để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Những dấu ấn nổi bật
Với thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an (2008-2009, 2020-2021), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (1998-2000, 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016, 2023-2025), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2017-2021, 2023-2027), Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) (2000-2002), Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) (1978-1983, 2001-2005, 2009-2013, 2015-2019, 2021-2025), Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (2025-2027)…
Với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp thực chất vào công việc chung của Liên hợp quốc, Việt Nam đã thực sự thể hiện rõ tâm thế, bản sắc và bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về một quốc gia độc lập, tự chủ, đổi mới, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tin cậy, chân thành và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, trong các nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, như sáng kiến Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12; thành lập Nhóm bạn bè Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột; thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN…
Việt Nam cũng tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Năm 2024 đánh dấu chặng đường tròn 10 năm Việt Nam triển khai lực lượng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (27/5/2014-27/5/2024). Từ đó đến nay, trên 800 lượt chiến sỹ mũ nồi xanh của Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân Việt Nam đã lên đường đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc, cũng như tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi.
Việt Nam còn được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng, Việt Nam đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của Liên hợp quốc, như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế, và đã thông báo tiếp tục ứng cử vào một số cơ quan, vị trí như Hội đồng Bảo an, Chủ tịch Đại hội đồng…
Hiện Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc triển khai nhiều hoạt động hợp tác như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm công bằng xã hội, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình…/.
// https://www.vietnamplus.vn/
————————————————————————
Giới thiệu Sách:
THƯ VIỆN TỈNH BÌNH THUẬN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MỘT VÀI TÀI LIỆU VỀ CHỦ ĐỀ VIỆT NAM GIA NHẬP LIÊN HỢP QUỐC CÓ TẠI THƯ VIỆN
- Tác giả: Việt Nam CHXHCN
- Thông tin xuất bản: H: Phổ thông, 1978
- Ký hiệu xếp giá: 341.12,327 / V308N
- Mô tả vật lý: 23tr., 19cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVN.005121; Phòng Mượn: MVN.001640
- Tác giả: Nguyễn Hồng Thao
- Thông tin xuất bản: H.: Chính trị quốc gia, 2008
- Ký hiệu xếp giá: 351.11 / V308N
- Mô tả vật lý: 193tr., 19cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVN.025551 ; Phòng Mượn: MVN.022576; MVN.022577
- Tóm tắt: Khái quát lịch sử hình thành, mục đích, các nguyên tắc và tổ chức của Liên hợp quốc, cũng như chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, ….
- Tác giả: Nguyễn Quốc Hùng
- Thông tin xuất bản: H.: Chính trị quốc gia, 2008
- Ký hiệu xếp giá: 341.23 / L305H
- Mô tả vật lý: 378tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.007724 ; Phòng Mượn: MVL.007104; MVL.007105
Views: 6