Kỷ niệm 118 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 – 07/4/2025)
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền:
KỶ NIỆM 118 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN
(07/4/1907 – 07/4/2025)
- Kỷ niệm 118 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 – 07/4/2025)
- Giới thiệu Sách: Một vài tài liệu về đồng chí Lê Duẩn có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận
—————————————————————————
KỶ NIỆM 118 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (07/4/1907 – 07/4/2025)
Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 07/4/1907 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng của dân tộc ta từ những năm 1920 đến những năm 1980 của thế kỷ XX, nêu tấm gương sáng của một chiến sĩ cộng sản tiên phong, trọn cuộc đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Lê Duẩn – người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng; nhà lý luận lớn, một tư duy sáng tạo của cách mạng Việt Nam; người học trò xuất sắc, người cộng sự gần gũi và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách cộng sản mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị đã tham gia phong trào đấu tranh yêu nước từ năm 1925, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1928 và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn diễn ra liên tục ở nhiều tỉnh, thành và địa phương trên phạm vi cả nước với nhiều trọng trách được Đảng tin cậy, giao phó như: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1931); Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (năm 1937); Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (năm 1939); Bí thư Xứ ủy Nam bộ (1946 – 1951; 1954 – 1957), Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951 – 1954), Ủy viên Bộ Chính trị (từ năm 1951); Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1960 – 1986).
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Duẩn là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam tổ chức triển khai, vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng và Bác Hồ để lãnh đạo Nhân dân miền Nam phát triển chiến tranh du kích, phối hợp chiến đấu với chiến trường miền Bắc, miền Trung. Với 26 năm liên tục đảm nhận cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng (từ năm 1960 đến năm 1986), thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược của cả dân tộc là xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; trong những thời điểm lịch sử đầy thử thách, phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp quan trọng và to lớn cho cách mạng Việt Nam, thể hiện ở những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của mình.
Sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7/1954), đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam cùng với Trung ương Cục miền Nam tiếp tục chỉ đạo cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam đòi hòa bình, hiệp thương thống nhất đất nước. Với kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn hoạt động đấu tranh cách mạng của một cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam (tháng 8/1956) – đã đóng góp lớn cho sự ra đời Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959). Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng là một bản Nghị quyết lịch sử đã đưa cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới bằng phong trào Đồng khởi lan rộng, sục sôi trong những năm 1959 – 1960. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã khẳng định sự đúng đắn về chủ trương và phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng, một sự khởi đầu độc đáo, phù hợp với tình hình lịch sử cụ thể của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.
Trở lại miền Bắc năm 1957, rồi đảm nhiệm cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 9/1960), đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết thành công các vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và tình hình quốc tế có những thay đổi và diễn biến phức tạp. Báo cáo chính trị do đồng chí Lê Duẩn trình bày tại Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đã khẳng định đường lối độc lập, tự chủ của cách mạng Việt Nam. Việc lựa chọn một quyết sách đúng đắn, phù hợp cho cách mạng Việt Nam tại thời điểm lịch sử của phong trào cộng sản công nhân quốc tế, tình hình quốc tế và tình hình cách mạng Việt Nam trong những năm tháng đó không dễ dàng. Việt Nam không phải là đất nước duy nhất bị chia cắt thành hai miền. Trước đó và cùng với Bắc và Nam Việt Nam, còn có Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Triều Tiên. Trong xu thế tạm thời hòa hoãn giữa hai “phe” và trong những năm tháng đó, người ta hay nói đến “thi đua hòa bình”, đến “trường kỳ mai phục” mà ít ai nói đến đấu tranh vũ trang, đến giải phóng đất nước, thống nhất hai miền. Đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là con đường của Việt Nam. Đó là con đường cách mạng của Nhân dân Việt Nam và do Nhân dân Việt Nam thực hiện vì những mục tiêu chính nghĩa của mình. Những sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trong việc chỉ đạo chiến tranh cách mạng ở miền Nam còn nổi bật với quan điểm tổng hợp trong chủ trương gắn đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá tư tưởng… tất cả đều thống nhất, tác động để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Với chiến lược tổng hợp, kết hợp phong trào đấu tranh công khai của quần chúng nhân dân trên khắp các địa bàn với chiến tranh cách mạng đánh địch trên cả 3 vùng chiến lược, với 3 mũi giáp công, kết hợp thế trận chiến tranh nhân dân bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, quân và dân miền Nam đã giành nhiều thắng lợi to lớn, quan trọng.
Biết cách thắng từng bước cũng là một luận điểm sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn. Sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta luôn phải chiến đấu trong tình thế lực lượng ít, thiếu trang bị vũ khí, lại phải đối phó với kẻ thù mạnh hơn về mọi mặt nên phải biết cách thắng từng bước, phải có thời gian từng bước làm suy yếu lực lượng của địch, củng cố bồi dưỡng lực lượng của ta để so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta mới có thể lấy yếu thắng mạnh. Mặt khác, chúng ta quyết tâm thắng Mỹ ở miền Nam nhưng phải góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ hậu phương miền Bắc nên điều quan trọng là phải biết cách thắng một cách có lợi nhất, đẩy lùi địch từng bước cho đến thắng lợi cuối cùng. Từ tháng 11/1965, sau một số trận “thử lửa” với quân chính quy Mỹ trên chiến trường miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: “Khả năng kiềm chế địch và thắng địch ở miền Nam là hiện thực”. Đó là cơ sở để Đảng ta hình thành quan điểm: Cương quyết đánh quân viễn chinh Mỹ xâm lược trên chiến trường nhưng không quốc tế hóa cuộc xung đột vũ trang ở miền Nam Việt Nam và chống cuộc chiến này lan rộng trên cả hai miền Nam – Bắc. Những nhận định quan trọng này là cơ sở quyết định phương hướng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta tiến lên từng bước, đẩy quân Mỹ ở miền Nam vào thế sa lầy trên chiến trường, đẩy chính quyền Mỹ vào thế bế tắc chính trị. Những chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược: Tết Mậu Thân 1968, các chiến dịch năm 1972 ở miền Nam, chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ ở miền Bắc vào cuối tháng 12 năm 1972 đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” kết thúc bằng Hiệp định Paris ( tháng 1/1973) buộc Mỹ phải rút hết quân về nước.
Tất cả những thắng lợi đó đều gắn liền với sự nhạy bén, sắc sảo trong chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn. Phương châm chiến lược đúng đắn đó được đồng chí Lê Duẩn tổng kết và chỉ đạo thực hiện một cách nhất quán cũng là hình ảnh rõ nét của phương pháp cách mạng Việt Nam, hiện thực hóa thành công đường hướng chiến lược được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tháng 10/1974, trong Hội nghị Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ”. “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ…”. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng là đỉnh cao thành công nổi bật về nghệ thuật nắm thời cơ, từ thời cơ này tiến lên tạo ra và nắm lấy thời cơ tiếp theo, liên tục, kiên quyết, với khẩu hiệu Thần tốc, táo bạo, bất ngờ để tạo và giành thời cơ cuối cùng, kết thúc chiến tranh kịp thời, trọn vẹn nhất. Sự nhạy bén, chính xác, kịp thời đó được nhân lên từ những kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp (1945 – 1954). Trong những thành công đó, nổi bật vai trò xuất sắc của một nhãn quan chính trị sáng suốt, một trí tuệ lớn, một tư duy cách mạng sáng tạo, một lập trường cách mạng kiên định, một ý chí quyết tâm sắt đá giành thắng lợi cuối cùng hội tụ ở đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng ta.
Kỷ niệm 118 năm ngày sinh của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 – 07/4/2025) là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trong đó, có những tháng ngày đồng chí đã từng ở tại mảnh đất xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và ngày nay đã được Đảng bộ và Nhân dân Tuy Phong xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn.
Cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta thật là to lớn. Chúng ta nguyện học tập tấm gương về ý chí kiên cường, về nhân cách cộng sản mẫu mực của đồng chí Lê Duẩn; kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam mãi mãi khẳng định công lao và cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng cao đẹp của đồng chí Lê Duẩn luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta./.
Dương Xuân Tùng // https://btgtu.binhthuan.dcs.vn/
—————————————————————————
Giới thiệu Sách:
THƯ VIỆN TỈNH BÌNH THUẬN XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MỘT VÀI TÀI LIỆU VỀ ĐỒNG CHÍ LÊ DUẨN CÓ TẠI THƯ VIỆN
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Chính trị quốc gia sự thật, 2017
- Ký hiệu xếp giá: 959.704092 / L250D
- Mô tả vật lý: 998tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.014855
- Tóm tắt: Gồm nhiều bài viết tập trung làm rõ tư duy sáng tạo về lý luận và chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Lê Duẩn trong quá trình lãnh đạo thực hiện sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng, về phong trào cộng sản, giai cấp công nhân…
- Thông tin xuất bản: Hà Nội: Chính trị quốc gia sự thật, 2013
- Ký hiệu xếp giá: 324.259707 / L250D
- Mô tả vật lý: 403tr., 24cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.012895; DVL.012983; Phòng Mượn: MVL.014086
- Tóm tắt: Sách trình bày tư tưởng, quan điểm sâu sắc của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa và con người Việt Nam, …
- Thông tin xuất bản: H.: Thông tấn, 2007
- Ký hiệu xếp giá: 324.259707092 / T455B
- Mô tả vật lý: 211tr., 25cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVL.005980; Phòng Mượn: MVL.004887
- Tóm tắt: Trình bày các tư liệu và hình ảnh của Tổng bí thư Lê Duẩn trong quá trình hoạt động cách mạng liên tục ở cả 3 miền Bắc Trung Nam và được trình bày theo trật tự thời gian
- Tác giả: Trần Nhâm
- Thông tin xuất bản: H.: Chính trị quốc gia, 2002
- Ký hiệu xếp giá: 3KV1(092) / L250D
- Mô tả vật lý: 335tr., 21cm
- Vị trí tài liệu: Phòng Đọc: DVV.004206; Phòng Mượn: MVV.003557
- Tóm tắt: Gồm hai phần: Lê Duẩn với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Phần hai Trường Chinh với sự nghiệp đổi mới đất nước ta
Views: 2