Kỷ niệm 106 năm Cách mạng tháng Mười Nga (07/11/1917 – 07/11/2023)
Nội dung chính trong Thông tin chuyên đề:
KỶ NIỆM 106 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA
(07/11/1917 – 07/11/2023)
- Cách mạng Tháng Mười Nga: Sự kiện lịch sử vĩ đại nhất thế kỷ XX
- Cách mạng Tháng Mười Nga khai mở một thời đại mới
- Sống mãi ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga
- Cách mạng Tháng Mười Nga và sự vận dụng vào công cuộc xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở Việt Nam
- Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga: Vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội
- Vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười
———————————————————————————–
CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA: SỰ KIỆN LỊCH SỬ VĨ ĐẠI NHẤT THẾ KỶ XX
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng vĩ đại nhất thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Nguồn: TTXVN. Ảnh: Hartford Courant, WIKIPEDIA.ORG
———————————————————————————–
CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA KHAI MỞ MỘT THỜI ĐẠI MỚI
Ngày 7-11-1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik Nga, đứng đầu là V.I.Lênin, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười đã nổ ra và giành thắng lợi, đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị của thế giới. Cuộc cách mạng vĩ đại đó đã vạch đường cho nhân loại đi đến một xã hội mới, trong đó nhân dân lao động được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ đất nước và vận mệnh của mình.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nhà nước Xô viết do Lênin sáng lập đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga, đưa nước Nga từ một nước phong kiến tiền tư bản nghèo đói và lạc hậu trở thành một cường quốc. Vai trò của nước Nga trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã biến “bóng ma ám ảnh châu Âu” thành một sức mạnh hiện hữu. Chủ nghĩa Mác-Lênin từ lý luận khoa học trở thành thực tiễn, từ tư tưởng trở thành hiện thực sinh động trên phạm vi thế giới.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, chính trị nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Nhiều đảng cộng sản và công nhân ở các nước đã ra đời; phong trào đoàn kết quốc tế được hình thành và phát triển sâu rộng khắp các châu lục. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động tại hàng loạt nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ Latin đã nổi dậy đấu tranh giành được độc lập dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển như một dòng thác trên toàn cầu; hàng trăm triệu người được giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Với sự xuất hiện và tồn tại hơn 7 thập kỷ của nước Nga Xô viết và sau đó là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô), nhân loại đã được chứng kiến những biến đổi kỳ diệu của đời sống con người trên 1/3 diện tích trái đất.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, với tiềm lực chính trị, tinh thần, kinh tế, quân sự, lực lượng Hồng quân Liên Xô đã đánh tan các thế lực phát xít đến tận sào huyệt, góp phần quyết định cứu nhiều quốc gia, dân tộc ở châu Âu, châu Á thoát khỏi thảm họa diệt chủng của chủ nghĩa phát xít.
Những thành tựu to lớn mà hệ thống xã hội chủ nghĩa với trụ cột là Liên Xô đạt được cũng đã thức tỉnh, cổ vũ phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội ở chính ngay các nước tư bản phát triển, buộc chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc phải có những điều chỉnh để thích nghi và tồn tại.
Đúng như Lênin đã từng khẳng định: “Cuộc Cách mạng Tháng Mười của chúng ta đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới”. Đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Như vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ý nghĩa khai mở một thời đại mới trên toàn thế giới.
Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở mỗi nước, trong đó có Việt Nam, trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam dù bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn luôn trung thành, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của đất nước ta.
Trước những biến đổi sâu sắc của thời đại và thế giới, nhất là từ sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) và coi đó là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Sau 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu to lớn của đất nước là minh chứng sống động con đường đi lên CNXH là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Ngày nay, lợi dụng sự khủng hoảng nghiêm trọng của CNXH trên thế giới, các thế lực thù địch ra sức chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại này là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trước những khó khăn, thử thách nghiệt ngã của CNXH, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng xuất hiện tư tưởng bi quan, dao động, ngả nghiêng, ý kiến trái chiều, đặt lại vấn đề về tầm vóc, giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Song, “bàn tay không che nổi mặt trời”, lý tưởng và những giá trị nhân văn cao cả của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tràn đầy sức sống trường tồn, luôn tỏa sáng và in đậm trong tâm trí của nhân dân Nga và của nhân loại.
Chúng ta có thể khẳng định, mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội trong nhiều thập kỷ qua càng làm nổi bật tầm vóc, ý nghĩa và giá trị thời đại sâu sắc của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.
Nguyễn Đức Thắng // https://www.qdnd.vn/
———————————————————————————–
SỐNG MÃI Ý NGHĨA THỜI ĐẠI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA
Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm cho mơ ước ngàn đời của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột về cuộc sống tốt đẹp, về sự công bằng, về khả năng xây dựng xã hội nhân đạo, trở thành hiện thực.
Cách đây 106 năm, ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử với tính chất đột phá mở đường và dẫn đường, là một thành tựu lớn trong tiến trình của lịch sử nhân loại với lý tưởng vô cùng cao đẹp là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm cho mơ ước ngàn đời của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột về cuộc sống tốt đẹp, về sự công bằng, về khả năng xây dựng xã hội nhân đạo, trở thành hiện thực.
Cách mạng Tháng Mười Nga vì thế mãi mãi được ghi nhận là cuộc cách mạng giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Trang sử mới của nước Nga
Mùa Thu năm 1917, nước Nga và Đảng Bônsêvích đứng trước thời điểm lịch sử. Sự tham gia của đế quốc Nga vào cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất tổn hại biết bao sinh mạng, của cải.
Thái độ của Chính phủ lâm thời lúc đó không muốn đáp ứng nguyện vọng của quần chúng là ký hiệp ước hòa bình và giải quyết vấn đề chia ruộng đất của địa chủ cho nông dân, thảm họa kinh tế và sự hỗn loạn xã hội đã tăng lên đến mức thấy rõ dấu hiệu sụp đổ.
Khi ấy, thượng tầng xã hội Nga bị rối loạn; tầng lớp những người lao động, thợ thuyền, binh lính không thể chịu nổi cuộc sống quá ngột ngạt, nghiệt ngã như vậy nữa; Bộ Tham mưu của Đảng và giai cấp công nhân Nga đứng đầu là Lênin đã nắm bắt chiều hướng vận động của xã hội, chớp thời cơ và phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng vô sản đã nổ ra như là điều tất yếu.
Ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, lập nên Nhà nước Xô Viết – Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra đã đáp ứng đầy đủ nhất những yêu cầu cấp thiết của lịch sử là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa để xây dựng một chế độ xã hội mới – chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực và có sức mạnh vô cùng to lớn, mở đường cho các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.
Sau Cách mạng Tháng Mười, Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đã tập trung củng cố chính quyền Xô Viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân.
“Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” được ban hành ngay sau khi cách mạng thành công đã đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc. Sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân lao động đã hình thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa tập thể.
Một chính sách ngoại giao mới, một quan hệ quốc tế mới được khẳng định là chính sách hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Một nhà nước kiểu mới được xây dựng trên nền tảng loại bỏ áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, không có người bóc lột người đã khẳng định Cách mạng Tháng Mười đánh dấu sự mở đầu một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và một thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Soi sáng con đường giải phóng dân tộc cho các nước trên thế giới
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô Viết do Lênin sáng lập đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga, đưa nước Nga từ một nước phong kiến, tư bản lạc hậu, nghèo đói trở thành một cường quốc kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục… hàng đầu thế giới; đưa quần chúng công-nông từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; vai trò, vị thế của nước Nga trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tiếp sức cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Dưới ánh sáng soi đường và sự cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười Nga, với sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn của Liên Xô, một làn sóng cách mạng vô sản ở châu Âu đã bùng lên mạnh mẽ sau đó, tạo ra một cao trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, làm rung chuyển nền thống trị của giai cấp tư sản độc quyền ở nhiều nước. Một hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ra đời, đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của thế giới hiện đại.
Cách mạng Tháng Mười Nga còn tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc khác; đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa bị áp bức và các nước phụ thuộc vùng dậy đấu tranh vì độc lập tự do, đem lại niềm tin và niềm hy vọng về khả năng tự giải phóng.
Giai cấp công nhân và nhân dân lao động tại hàng loạt nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc; hàng trăm triệu người được giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ, tạo thành một phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ trên toàn cầu.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của chế độ Xô Viết và chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai cũng đã thức tỉnh và cổ vũ phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội ở chính ngay các nước tư bản phát triển, buộc chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc cũng phải có những điều chỉnh để thích nghi, tồn tại. Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định: “Cuộc Cách mạng Tháng Mười của chúng ta đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới.”
Với sự xuất hiện và tồn tại gần 80 năm của nước Nga Xôviết và sau đó là Liên bang Xôviết (Liên Xô), nhân loại đã được chứng kiến những biến đổi kỳ diệu của đời sống con người trên diện tích 1/3 Trái Đất, chiến thắng oanh liệt của Hồng quân Liên Xô cứu loài người khỏi thảm họa phátxít và rất nhiều thành tựu to lớn mà chủ nghĩa xã hội hiện thực đã mang lại.
Chúng cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ có ý nghĩa, giá trị thuần túy Nga; qua đó, phủ nhận tính tất yếu và biện chứng của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như của cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung, đồng thời đi tới phủ nhận tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Nhưng, sự thật lịch sử không thể phủ nhận được là Cách mạng Tháng Mười đã trở thành một sự kiện bước ngoặt của sự phát triển xã hội loài người, mở ra một con đường đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một thế giới mới công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ. Đó là việc biến ý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành hiện thực.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã hiện thực hóa những quan điểm tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, là một bước tiến lớn trong sự phát triển tư tưởng của loài người nên đã thực sự thu hút, hấp dẫn hàng triệu người đi theo ánh sáng tư tưởng của cuộc cách mạng và tham gia đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp cho độc lập, tự do của dân tộc mình.
Vì vậy, những âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch trong nhiều thập kỷ qua càng làm nổi bật tầm vóc, ý nghĩa và giá trị thời đại sâu sắc của cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.
Việt Nam luôn kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa
Kế thừa và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những kỳ tích vẻ vang.
Khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế;” “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người.”
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đây “Cẩm nang thần kỳ” là con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Và theo tiếng gọi của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xô Viết, đã đồng hành cùng nhân dân vững vàng bước vào cuộc trường chinh và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau chín năm trường kỳ (1946-1954).
Miền Bắc được giải phóng và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam trong hành trình tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sau 21 năm trường kỳ kháng chiến (1954-1975), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khó của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn; cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước đòi hỏi của thực tiễn những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, năm 1986, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ chỗ bị bao vây, cấm vận và hầu như chỉ có quan hệ với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và toàn diện. Việt Nam còn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, có vai trò, tiếng nói ngày càng quan trọng trong ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc…
Bên cạnh đó, ổn định chính trị-xã hội được giữ vững, dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo ra động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, quy mô nền kinh tế tăng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện.
Với đường lối tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đóng góp giải quyết những vấn đề chung của khu vực, thế giới và loài người, như các vấn đề hòa bình, phát triển, xóa đói nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu… Việt Nam đang trở thành một thành viên ngày càng có vai trò, ảnh hưởng và tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế.
Những thành quả sau hơn 35 năm Đổi Mới đất nước đã góp phần chứng minh tính đúng đắn và phù hợp của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam. Đồng thời cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vững vàng lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa nước bước vào thời kỳ phát triển – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VÀ SỰ VẬN DỤNG VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
Từ một nước Nga phát triển trung bình dưới thời Sa hoàng, đất nước Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, y tế, giáo dục… và trở thành lực lượng chủ yếu đánh tan phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Trong một thời kỳ dài, Liên Xô đã trở thành một cường quốc trên thế giới, là trụ cột của hệ thống XHCN.
Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác – Lênin đã thâm nhập vào tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có rất nhiều nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La tinh vùng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chúng và giành được tự do, độc lập, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ xã hội.
Xã hội loài người đã diễn ra hàng trăm cuộc cách mạng, nhưng chưa có cuộc cách mạng nào triệt để và sâu sắc như Cách mạng Tháng Mười Nga. Cuộc cách mạng XHCN đã để lại nhiều giá trị lịch sử và thời đại quý báu cho mỗi dân tộc trên con đường đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng của mình.
Trước hết, cần khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là minh chứng hùng hồn nhất về việc vận dụng và đưa lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin thành hiện thực cuộc sống sinh động, CNXH từ chỗ là “bóng ma ám ảnh châu Âu” thì nay được biết đến không chỉ là một học thuyết, mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Lý tưởng, mục tiêu, khát vọng của quần chúng lao động đứng lên đấu tranh giải phóng khỏi sự áp bức đã khẳng định tính khoa học, cách mạng của lý luận Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và trở thành sức mạnh hiện thực của chế độ xã hội mới – XHCN. Sự ra đời của nước Nga – Xô viết tạo nên sự đối trọng, buộc giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới phải tìm cách tự điều chỉnh, thích nghi cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để kéo dài sự tồn tại.
Mặt khác, nếu như tất cả các cuộc cách mạng đã từng diễn ra trong lịch sử, về bản chất chỉ là sự thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, thì Cách mạng Tháng Mười Nga là sự đoạn tuyệt với các chế độ xã hội trước đó, xác lập chế độ xã hội mới do nhân dân làm chủ và hướng tới mục tiêu đấu tranh xóa bỏ tận gốc mọi áp bức, bóc lột, bất công trong xã hội, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Điều đó chứng tỏ, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để nhất trong lịch sử. Sức sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười trong công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là cội nguồn sức sống của CNXH và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Cuộc Cách mạng này đã khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin; làm xuất hiện khả năng gắn độc lập dân tộc với CNXH, mở ra cho các dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, cơ hội tự quyết định vận mệnh của mình cũng như con đường phát triển theo định hướng XHCN.
Hơn thế nữa, Cách mạng Tháng Mười Nga còn đóng vai trò to lớn trong cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới. Từ thắng lợi ở một nước, CNXH hiện thực đã phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh. Với sức mạnh của chế độ mới ưu việt, từ nước Nga, đến Liên Xô và cả hệ thống XHCN thế giới đã góp phần to lớn vào sự phát triển mọi lĩnh vực; là lực lượng trụ cột giữ thế cân bằng cho một trật tự thế giới ổn định, hòa bình; là nhân tố quan trọng cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Có thể nói, thế kỷ XX là thế kỷ thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin, của những lý tưởng cách mạng cao cả được hiện thực hóa; giai cấp công nhân và nhân dân lao động đứng lên đấu tranh để tự giải phóng mình và giải phóng xã hội.
Sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sau hơn 70 năm ra đời và phát triển không hề chứng tỏ tính chất lỗi thời của lý tưởng cách mạng XHCN, không làm mất đi giá trị, ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng vạch thời đại mà Cách mạng Tháng Mười đã mở ra. Trong sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, sự sụp đổ ấy chỉ nói lên những khó khăn tất yếu trong sự tìm kiếm mô hình thích hợp để hiện thực hóa những tư tưởng vĩ đại mà Cách mạng Tháng Mười đã đặt nền móng. Điều mà những kẻ mưu toan phủ định tầm vóc, giá trị và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười “cố tình” không hiểu, đó là: cuộc Cách mạng Tháng Mười nổ ra và thành công ở nước Nga, nhưng ảnh hưởng lại mang tầm nhân loại, được các quốc gia, dân tộc phát triển sáng tạo, khẳng định sức sống trường tồn. Vì vậy, sự sụp đổ mô hình của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã không gây ra hiệu ứng dây chuyền về sự sụp đổ của tất cả các nước XHCN, càng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác – Lênin với bản chất khoa học và cách mạng. Điều này được chứng minh bởi những thành tựu to lớn mà các nước XHCN, như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba,… đã đạt được. Đó là thành công của quá trình kiên định lập trường, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, tạo ra những mô hình CNXH hiện thực phù hợp; khẳng định con đường đi lên XHCN vẫn là tất yếu, phù hợp với quy luật lịch sử và xu thế thời đại. Đúng như Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “CNXH hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.
Hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Cũng giống như tình cảnh của nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, trong khi Việt Nam đang rất cần một môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước, hàn gắn những vết thương nghiêm trọng do hai cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài gây ra thì các thế lực thù địch lại ra sức chống phá hòng thủ tiêu thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân đã phải tốn bao công sức và xương máu mới giành được.
Trong bối cảnh hết sức phức tạp ấy, lý tưởng về một xã hội do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; con người được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân… từ lý luận Mác – Lênin, được hiện thực hóa trên đất nước Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười Nga, lại tiếp thêm sức mạnh, trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng ta tiếp tục tiến lên CNXH. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản giữa đổi mới ở Việt Nam với nhiều nước XHCN cùng thời. Để tháo gỡ những khó khăn, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, tiếp tục phát triển theo mục tiêu con đường đã chọn, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin, nhất là Chính sách kinh tế mới (NEP) của V.I.Lênin; kế thừa và vận dụng có hiệu quả vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đảng đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Trước tiên, Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng luôn quán triệt là: đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, tình cảm, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Đảng cũng nhấn mạnh “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội VI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII đề ra (6/1991) nhận thức về CNXH và con đường XHCN. Đảng xác định nội dung cơ bản là: Xã hội XHCN mà nhân dân xây dựng là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ. Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Tiếp đó, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VIII (6/1996) khẳng định: Sau những biến cố ở Đông Âu và Liên Xô, CNXH tạm thời lâm vào thoái trào nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại: “loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH”. Và rằng: “Con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”. Điều này đã một lần nữa cho rằng việc lựa chọn theo con đường CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.
Đại hội IX của Đảng (4/2001) khi đánh giá về Cách mạng Tháng Mười, về CNXH hiện thực, đã nhận định: “CNXH trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như sự khát vọng và thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên CNXH”. Trong đó, Đảng cho rằng chặng đường đầu tiên là chuẩn bị tiền đề cho chặng sau, tạo ra sự ổn định vững chắc của xã hội thông qua đổi mới, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau.
Đại hội X của Đảng đã bổ sung một số điểm mới trong mô hình CNXH ở Việt Nam: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đây chính là đặc trưng tổng quát nhất của mô hình xã hội XHCN mà Việt Nam đang xây dựng.
Đến Đại hội XI của Đảng năm 2011, Đảng nêu nội dung XHCN xã hội gọn và rõ hơn: Xã hội XHCN mà nhân dân xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Công cuộc xây dựng CNXH đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nâng cao năng lực dự báo, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển. Do đó, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp với bối cảnh mới, tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”. Như vậy, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH là những cơ sở lý luận nền tảng để Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu, con đường đã lựa chọn. Việc kiên định mục tiêu, con đường đi lên CNXH đặt ra yêu cầu phải quán triệt phương pháp luận biện chứng, vì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống mở, đòi hỏi phải thường xuyên được nghiên cứu tổng kết, bổ sung, phát triển sáng tạo cho phù hợp với bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước và thời đại. Nếu không quán triệt quan điểm này sẽ dễ dẫn đến phủ định sạch trơn hay rập khuôn máy móc mà Việt Nam đã từng mắc phải thời kỳ trước đổi mới. Đây chính là tinh thần biện chứng đã được chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: xây dựng CNXH phải xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể. Phải tích cực tìm kiếm mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp với xu thế của thời đại và đặc điểm của quốc gia dân tộc; phải phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng kinh tế – chính trị – tinh thần có thể tập hợp được ở cả trong và ngoài nước; cách mạng phải biết bảo vệ mình một cách có hiệu quả trước các thế lực thù địch trong nước và quốc tế. Đồng thời, phải cảnh giác đấu tranh với nguy cơ của chủ nghĩa giáo điều tả khuynh và cơ hội xét lại; thường xuyên xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ để bảo đảm tính tiên phong, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, Cách mạng Tháng Mười Nga nói riêng vẫn còn nguyên giá trị đối với quá trình phát triển đất nước và xây dựng, chỉnh đốn Đảng đối với cách mạng nước ta, nhất là trước bối cảnh quốc tế đang biến chuyển mau lẹ, phức tạp, khó lường./.
KỶ NIỆM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA: VỮNG BƯỚC ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Ngày 7/11, nhân dân tiến bộ thế giới kỷ niệm 106 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công (7/11/1917 – 7/11/2023). Cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trong lịch sử thế giới, đã giành thắng lợi, tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại, là một sự kiện có ảnh hưởng rộng nhất tới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô Viết đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga, đưa quần chúng nhân dân thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Cuộc cách mạng ấy có tính đột phá, mở đường cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Cách đây 106 năm, tháng 4/1917, V.I. Lenin về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nga. Đêm 24/10/1917 theo lịch cũ nước Nga (tức đêm 6/11/1917), khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Petrograd (nay là Saint Petersburg). Ngày 25/10/1917, các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở Petrograd. Tới 2h10 rạng sáng 26/10/1917, Cung điện Mùa Đông được giải phóng, các bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Petrograd kết thúc thắng lợi. Ngày 25/10/1917, theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7/11/1917) đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại. Đến cuối tháng 3/1918, Chính quyền Xô Viết đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước Nga rộng lớn. Đó là “thời kỳ” – như Lenin gọi – “tiến quân thắng lợi rực rỡ” của chính quyền Xô Viết.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã trở thành biểu tượng vĩ đại của thời đại. Nhân dân Việt Nam cùng loài người tiến bộ mãi mãi ghi nhớ công ơn của lãnh tụ vĩ đại Lenin, của những người Bolshevik và nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô Viết đã phấn đấu, hy sinh làm nên sự kiện lịch sử có một không hai này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”, “Cách mạng tháng Mười đã chứng tỏ có khả năng lật đổ nền chuyên chính của bọn bóc lột, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, một xã hội bảo đảm cho đất nước phát triển rực rỡ một cách nhanh chóng chưa từng thấy, đưa quần chúng lao động đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho người lao động có một tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng, mà trước kia không thể nghĩ tới”…
Trong hơn bảy mươi năm tồn tại và phát triển, Liên bang Xô Viết đã giành được nhiều thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Mười cũng như công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, và đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và những thành tựu to lớn của Liên bang Xô Viết đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa bị áp bức, trong đó có Việt Nam và các nước phụ thuộc vùng dậy đấu tranh vì độc lập tự do, đem lại niềm tin và niềm hy vọng về khả năng tự giải phóng.
Đối với Việt Nam, thực tế lịch sử đã chứng minh, mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam đều gắn liền với ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga cũng như sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của nhân dân Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp cận, tiếp thu và vận dụng sáng tạo thành công những tư tưởng của Cách mạng tháng Mười vào sự nghiệp cách mạng của nước ta. Người nhận xét: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi”; từ đó khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Với sự lựa chọn và quyết định con đường cách mạng đi theo Cách mạng tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước, dân tộc ta thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và giành những chiến thắng lịch sử: Điện Biên Phủ (7/51954), giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…
Đặc biệt, công cuộc đổi mới gần 40 năm qua của đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là kết quả của quá trình đổi mới có nguyên tắc, năng động trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng là cơ sở để mỗi người Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, ý nghĩa và giá trị hiện thực của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được minh chứng cho sức sống của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong bài diễn văn tại Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười, 5/11/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, hơn lúc nào hết, chúng ta càng nhận thức rõ hơn những giá trị và đóng góp to lớn mà cuộc cách mạng này đã mang lại cho nhân loại, càng nhận thức sâu sắc hơn những bài học xương máu từ sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô Viết và càng kiên định hơn con đường đổi mới vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Thực tiễn và các thành tựu của cách mạng Việt Nam là thực tế sinh động góp phần bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Mười, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã được khẳng định, những bài học kinh nghiệm đắt giá từ biến cố đầy bi kịch xảy ra ở Liên Xô vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cùng những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ rõ: biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống; những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu – nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng… đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đã đạt được. Đồng thời, bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, nhận diện và khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Như trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có như vậy, chúng ta mới tiếp tục vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc; đồng thời góp phần khẳng định giá trị trường tồn, vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga./.
VẬN DỤNG SÁNG TẠO NHỮNG KINH NGHIỆM CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 – cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, là bài học kinh nghiệm quý cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua nhiều khó khăn, giành được những thắng lợi to lớn. Kinh nghiệm trong việc chuẩn bị lực lượng đầy đủ cho thời điểm quyết định cũng như huy động sức mạnh quần chúng để bảo vệ và xây dựng chính quyền đã được vận dụng sáng tạo trong Cách mạng Tháng Tám.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 – cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, là bài học kinh nghiệm quý cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc. |
V.I. Lênin đã có một kết luận quan trọng: “Chủ nghĩa xã hội có thể thắng trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa, tách riêng ra mà nói”(1). Thời cơ để quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền phải hội tụ đủ các điều kiện: Xảy ra khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội khiến giai cấp thống trị không thể duy trì quyền lực như cũ; quần chúng nhân dân và đội tiền phong sẵn sàng hành động; các lực lượng trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Những người cách mạng phải chuẩn bị tốt lực lượng, thúc đẩy tình hình theo hướng có lợi và đón đúng thời cơ để khởi nghĩa thắng lợi.
Năm 1917, dưới sự chỉ đạo của V.I. Lênin, những người Bolshevik xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng để lực lượng cách mạng đủ sức mạnh áp đảo lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị.
Theo những chủ trương đó, đội ngũ cận vệ đỏ – lực lượng vũ trang nòng cốt của những người cách mạng ra đời. Đây là sáng tạo của V.I. Lênin, phát triển và hiện thực hóa lý luận về chính quyền và giành chính quyền của giai cấp vô sản khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Các đội cận vệ đỏ được xây dựng trên cơ sở tham gia tự nguyện của quần chúng. Khi tình thế cách mạng càng trở nên nóng bỏng, các đội cận vệ đỏ là lực lượng chính trị chủ đạo, là lực lượng quân sự nòng cốt, quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Từ giữa tháng 9/1917, V.I. Lênin đã nhận định: “Hiện nay, tình thế đã thay đổi khác hẳn. Chúng ta đã giành được đa số trong giai cấp đứng làm đội tiền phong của cách mạng, đội tiền phong của nhân dân và có khả năng lôi cuốn quần chúng theo mình. Chúng ta đã giành được đa số trong nhân dân…
Thắng lợi chắc chắn thuộc về chúng ta.”(2). Đến tháng 10/1917, đội ngũ Cận vệ đỏ đã có khoảng 200.000 người. Riêng ở Petrograt (nay là Saint Petersburg), đội ngũ Cận vệ đỏ có khoảng 20.000 người. Binh lính hạm đội Baltic cũng đã ngả về phía những người khởi nghĩa. Những người Bolshevik đã tập hợp, tổ chức được khối lực lượng cách mạng đông đảo. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Cuộc khởi nghĩa ở Petrograt nổ ra trong thời điểm những người Bolshevik không thể hành động chậm trễ hơn kẻ thù, trên cơ sở lực lượng đã được chuẩn bị chu đáo, trong tình thế cách mạng đã chín muồi.
Trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”(3).
Nguyễn Ái Quốc cũng là người đầu tiên cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước ở một nước thuộc địa. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(4). Đội ngũ cán bộ của Đảng Cộng sản do Người sáng lập đã vận dụng sáng tạo lý luận đó trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga 24 năm, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) của Đảng cộng sản Đông Dương dành một phần riêng viết về “võ trang khởi nghĩa”, trong đó chỉ rõ những điều kiện “gây cuộc khởi nghĩa bằng võ trang” là:
1. Mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc.
2. Nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị của Pháp-Nhật, mà đã sẵn sàng hy sinh bước vào con đường khởi nghĩa.
3. Phe thống trị Đông Dương đã bước vào cuộc khủng hoảng phổ thông đến cực điểm vừa về kinh tế, chính trị, lẫn quân sự.
4. Những điều kiện khách quan tiện lợi cho cuộc khởi nghĩa Đông Dương như quân Tàu đại thắng quân Nhật, Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nhật nổi dậy, phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương, Liên Xô đại thắng…
(5). Khi tình hình thế giới chuyển biến sẽ làm cho những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương càng chín muồi: “…Nhưng rồi đây tình thế chết đã đến chân, bắt buộc họ phải đứng dậy, liều chết vật lộn với quân giặc cướp nước. Lúc ấy cả thế giới như một nồi nước sôi và tình hình cách mạng Đông Dương bước những bước vĩ đại để dọn đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa mạnh mẽ”
(6). Theo định hướng của những chỉ dẫn đó, các tổ chức đảng đã tích cực chuẩn bị lực lượng cho giờ phút quyết định khởi nghĩa. Các tầng lớp quần chúng được tổ chức trong những Hội Cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Văn hóa cứu quốc… làm thành một Phong trào Việt Minh sôi nổi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cũng do sự phát triển rộng khắp của phong trào Việt Minh, Đảng đã có điều kiện để duy trì các đội du kích, xây dựng những khu căn cứ địa cách mạng, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng.
Lực lượng địch đã bị cô lập trong bầu không khí cách mạng đang ngày càng nóng dần lên. Các tổ chức thanh niên với số hội viên đông đảo, với tinh thần quả cảm và khí thế bốc cao, có hạt nhân lãnh đạo là những đảng viên cộng sản như Thanh niên tiền phong ở Sài Gòn, Thanh niên tiền tuyến ở Huế tuyên bố đứng trong hàng ngũ Việt Minh. Công chức, binh lính, cảnh sát trong chính quyền cũ đã hoang mang, dao động, một bộ phận đã ngả theo cách mạng.
Thời cơ lịch sử đã xuất hiện vào ngày 15/8/1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh. Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và nhanh chóng phát đi lệnh Tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới toàn thể quốc dân Việt Nam: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…
Chúng ta không thể chậm trễ”
(7). Với quyết tâm đó, cuộc tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 ở Hà Nội đã diễn ra nhanh gọn, triệt để và không đổ máu. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã châm ngòi cho nhiều cuộc khởi nghĩa ở các địa phương khác, nhất là tại các thành phố trung tâm đầu não như Huế, Sài Gòn, làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước chỉ trong hai tuần. Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam cũng lan nhanh với “tốc độ của điện tín” như cuộc khởi nghĩa Tháng Mười năm 1917.
Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại thành quả trực tiếp là sự ra đời Chính quyền Xô viết của nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Mười còn chứng minh: Giành chính quyền đã khó, giữ vững được chính quyền còn khó hơn. Nước Nga sau nội chiến bị tàn phá nặng nề, bị bao vây.
Nạn đói và dịch bệnh làm trầm trọng hơn khủng hoảng kinh tế. Chính nhân dân đã bảo vệ vững chắc Chính quyền Xô viết của họ qua ba năm nội chiến khốc liệt, chiến thắng các âm mưu can thiệp và lật đổ của các thế lực phản cách mạng, trong vòng vây các nước tư bản đế quốc.
Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại thành quả trực tiếp là sự ra đời Chính quyền Xô viết của nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Mười còn chứng minh: Giành chính quyền đã khó, giữ vững được chính quyền còn khó hơn. Nước Nga sau nội chiến bị tàn phá nặng nề, bị bao vây. |
Cũng giống như công cuộc bảo vệ và xây dựng Chính quyền Xô viết trước kia, nhân dân của nước “Việt Nam mới” đã đồng lòng bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng của mình trong điều kiện vô cùng khó khăn: Vừa phải giữ hòa bình vừa phải kháng chiến; vừa đấu tranh chính trị, ngoại giao; vừa phải kìm chân quân địch; vừa phải đối phó với những âm mưu chống phá của bọn phản động tay sai thực dân, đế quốc; vừa phải chăm lo bồi dưỡng sức dân, xây dựng cuộc sống mới, đẩy lùi nạn đói, nạn dốt…
Vượt qua bao khó khăn, thử thách, chính quyền cách mạng đứng vững và được củng cố về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình”
(8). Từ Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc Việt Nam được giải phóng, thoát khỏi ách nô lệ, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những nguyên lý sâu sắc về cách mạng giải phóng dân tộc của Cách mạng Tháng Mười Nga được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hướng tới những lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga.
———————–
(1) V.I. Lênin: Toàn tập – (Tiếng Việt) Nxb Tiến bộ, Matscova, 1976, tập 26, tr. 447
(2) V.I. Lênin: Toàn tập – Sđd, 1977, tập 34, tr. 324
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr 304
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 2, tr. 289
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 129 – 130
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập – Sđd, tập 7, tr. 131
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 3, tr 596
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 4, tr. 327
Views: 373